Báo động nạn tự tử tại nhà máy sản xuất iPhone
Chỉ tính riêng trong năm nay, số người thiệt mạng vì nhảy lầu tự tử tại nhà máy Foxconn, Trung Quốc - nơi sản xuất máy iPhone cho Apple, đã lên tới con số 10 người. Đây thực sự là hồi chuông báo động đối với chính quyền địa phương tại các nơi đặt nhà máy lắp ráp linh kiện công nghệ cao cho nước ngoài.
Công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn.
Vụ tự tử mới nhất xảy ra ngày hôm qua (26/5), chỉ một ngày sau khi một công nhân thiệt mạng do rơi từ trên cao xuống. Bản tin phát trên 3 kênh truyền hình Đài Loan còn nói rằng ngoài một người thiệt mạng trong ngày hôm qua còn có thêm 3 người khác bị thương cũng do nhảy lầu, gồm 1 công nhân nữ và 2 công nhân nam.
13 người nhảy lầu tự tử chỉ trong 6 tháng
Nếu thông tin trên được khẳng định thì tính từ đầu năm 2010 tới giờ đã có cả thảy 13 công nhân nhảy lầu tại Foxconn, trong đó 10 người đã thiệt mạng còn 3 người khác bị thương nặng. Đây là hình ảnh không mấy đẹp đẽ đối với Foxconn, vốn chịu nhiều sức ép từ phía cơ quan an toàn lao động trong thời gian qua. Nhà máy này thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Hồng Hải (Hon Hai Precision Industry), Đài Loan, chịu trách nhiệm sản xuất các thiết bị điện tử cho nhiều tên tuổi lớn như Apple, HP và Sony Ericsson.
Trong khi đó, Apple và nhiều hãng công nghệ lớn khác nói rằng họ đang tiến hành điều tra điều kiện làm việc tại Foxconn, vốn được cho là hà khắc và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Foxconn thuê 420.000 công nhân, chủ yếu có tuổi đời rất trẻ, để làm việc tại các phân xưởng sản xuất đóng tại Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc.
Vụ tự tử trên chỉ xảy ra vài giờ sau khi Chủ tịch Foxconn, Terry Gou, cùng đi thị sát các nhà máy của hãng tại Thâm Quyến với các phóng viên, đồng thời hứa hẹn sẽ triển áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn các vụ tự tử của công nhân. Terry Gou đã quay lại nhà máy ngay sau khi nghe tin công nhân thứ 10 nhảy lầu tự tử mặc dù ông này đang ngồi trên phi cơ chuẩn bị bay về trụ sở làm việc chính ở Đài Loan.
Vụ tự tử rùm beng nhất tại Foxconn có lẽ phải kể đến vụ nhảy từ lầu 12 xuống đất của kỹ sư Sun Danyong (25 tuổi) hồi tháng 7/2009. Người này chịu trách nhiệm giám sát vận chuyển 16 mẫu iPhone mới tới Apple nhưng không hiểu sao một chiếc lại biến mất.
Tự tử do tâm lý nặng nề
Ông Li Ping, Chủ tịch UBND thành phố Thâm Quyến nói với giới phóng viên rằng chính tâm lý làm việc xa nhà của công nhân, cộng với sự thiếu quan tâm chăm sóc của chính quyền nhà máy được cho là những nguyên nhân dẫn tới các vụ tự tử kiểu trên, nhất là đối với các công nhân có tuổi đời dưới 30.
Cũng theo ông Ping, chính quyền thành phố đang phối hợp với cảnh sát và Foxcon xúc tiến ý tưởng xây dựng trung tâm thể thao và văn hóa nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho các công nhân tại đây. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang vào cuộc để điều tra về điều kiện làm việc cũng như nguyên nhân của các vụ tự tử trong thời gian gần đây tại Foxconn.
Hãng tin Tân Hoa xã nói rằng công nhân trên đã nhảy qua cửa sổ khu trọ xuống đất nhưng không nói rõ nguyên nhân của vụ tự tử này. Trong khi đó, đồn cảnh sát tại Guanlan và Longhua, nơi đóng đô hai nhà máy của Foxconn thì nói rằng họ không biết thông tin gì về vụ tự tử bất thành như lời báo chí Đài Loan đưa tin.
Cũng theo Tân Hoa xã, Foxconn đã đào tạo khoảng 100 nhân viên chuyên chăm lo sức khỏe tinh thần cho công nhân, đồng thời lắp đặt khoảng 1,5 triệu m2 lưới chắn an toàn để ngăn không cho công nhân tự tử. Các lưới chắn này được phủ khắp các nhà máy và khu ở tập thể của công nhân. “Mặc dù biện pháp này nghe như có vẻ không đáng gì thì ít nhất nó cũng có thể giúp cứu sống ai đó nếu vô tình rơi xuống”, Gou nói.
Trong báo cáo gửi cho khách hàng, Bank of America/ Merrill Lynch cho rằng các vụ tự tử tại Foxconn tuy có ảnh hưởng tới hình ảnh của Hồng Hải nhưng lại không tác động gì tới doanh thu của hãng này. Hồng Hải vẫn được Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS xếp hạng là nhà cung cấp sản phẩm số 1. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn thì lại cho rằng những vụ tự tử gần đây tại Foxconn phản ánh điều kiện làm việc tồi tệ tại nhà máy này.
Trong một diễn biến khác, hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản Honda cho biết đã đóng cửa 4 trong số các nhà máy của hãng này tại miền nam Trung Quốc. Nguyên nhân được cho là liên quan tới điều kiện làm việc của người lao động. Khu vực này là nơi tập trung rất nhiều nhà máy nước ngoài; còn công nhân làm việc chủ yếu là từ nơi khác đến.
Theo VnMedia