K+ phải chia sẻ bản quyền cho các đài khác
Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+) phải chia sẻ bản quyền ngày Chủ nhật cho các đài truyền hình khác, nếu họ có cùng hạ tầng phát sóng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn
Đây là một trong những phương hướng chỉ đạo mà Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đưa ra tại cuộc họp bàn về bản quyền truyền hình thể thao giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với 4 nhà đài là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) - đơn vị đang nắm 51% cổ phần VSTV, Đài Truyền hình Tp.HCM, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC), diễn ra sáng 28/7.
Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, trong thời gian qua, vấn đề bản quyền truyền hình thể thao đã thu hút được sự quan tâm chú ý đông đảo trong dư luận. Mục đích cuộc họp lần này giữa các lãnh đạo Bộ và bốn đơn vị trên là để tìm ra phương hướng và cơ chế giải quyết vấn đề chia sẻ, mua bán bản quyền truyền hình.
Theo thống nhất chung, hoạt động truyền hình trả tiền mang yếu tố kinh doanh, các đơn vị phải tuân thủ theo luật cạnh tranh, có thỏa thuận, thương lượng, nhưng không làm triệt tiêu các yếu tố cạnh tranh.
Còn về phía người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền thì phải có nghĩa vụ trả tiền theo nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết mà Bộ đưa ra là các đơn vị “mạnh ai nấy làm” - mỗi doanh nghiệp đều tự đàm phán với đối tác để đối tác nước ngoài tìm cách nâng giá bản quyền lên cao, khiến người tiêu dùng khó khăn trong tiếp cận với các gói kênh trả tiền, đặc biệt là bóng đá. Và chính vấn đề độc quyền bản quyền truyền hình đã tạo ra những bức xúc trong xã hội thời gian qua.
Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Kênh Thể thao VTC3 (VTC) cho biết, thực tế, các đối tác nước ngoài rất "khôn". Họ đã đi “một vòng Việt Nam” để chào giá, vì thế giá bản quyền mới bị đẩy cao như vậy.
Theo ông Huy, đối tác M&P Silva cũng đã đi chào mời VTC mua bản quyền phát sóng các giải đấu châu Âu mùa giải tới, nhưng với mức giá khá cao nên VTC không chấp nhận và “mức giá như vậy chỉ cần cho những nơi đang muốn phát triển nóng, đột ngột tạo được danh tiếng”.
Ông Huy cũng cho rằng, nếu các nhà đài cứ cạnh tranh theo kiểu này thì sẽ chỉ là một cuộc đua bất tận, mà cần cạnh tranh bằng chất xám để người hưởng lợi là nhân dân. Chính vì thế, hơn lúc nào hết và không thể chậm hơn được nữa, các đơn vị phải ngồi lại với nhau, vì Việt Nam đã bị thất thoát tiền bản quyền truyền hình quá nhiều.
Tại buổi họp, về vấn đề bản quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế thời gian tới, ông Doãn cho biết, trước mắt, các đơn vị nhà đài sở hữu hạ tầng có khả năng phát sóng như HTV, VCTV, HCTV, VTC, SCTV và K+ cần phải ngồi lại để thỏa thuận với nhau để cử ra một đại diện đàm phán bản quyền với giá cả phù hợp, sau đó chia sẻ cho tất cả các thành viên để bảo đảm lợi ích cho người xem. Còn giá cả chia sẻ như thế nào là do các đơn vị tự thương thảo.
Riêng với K+, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, K+ phải chia sẻ bản quyền giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ Nhật cho tất cả các đơn vị nếu có cùng hạ tầng phát sóng.
Còn về lâu dài, ông Doãn cho biết, Bộ đang lập ban vận động để sớm ra mắt Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Ban này đã và đang chuẩn bị các nguyên tắc, điều kiện trình Bộ Nội vụ để sớm được thành lập Hiệp hội.
“Khi có có Hiệp hội Truyền hình trả tiền thì vấn đề đàm phán, thương thảo giải quyết về bản quyền truyền hình, đảm bảo lợi ích chung của các thành viên, đặc biệt là lợi ích của người xem, chắc chắn sẽ hạn chế hoặc không có những sự việc như vừa rồi”, ông Doãn khẳng định.
Theo VnEconomy