Vì sao VTC phát analog trở lại?
Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý cho phép phát sóng theo công nghệ analog.
Đây là một quyết định hợp lòng dân sau những “sự cố” làm người dân bị thiệt thòi vì thiếu những kênh thông tin mới mẻ và có ích do một số ý kiến cho rằng VTC đang đi ngược với lộ trình số hóa truyền hình.
Không còn thiệt thòi vì thiếu thông tin
Theo ông Lê Văn Khương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), mục đích xuyên suốt của VTC là bằng mọi hạ tầng truyền dẫn phát sóng mang đến cho người dân trên mọi miền Tổ quốc những kênh truyền hình bổ ích, góp phần tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, mang lại lợi ích cho người dân và cho cả doanh nghiệp. Việc VTC phải ngừng phát sóng một số kênh truyền hình analog (VTC1, VTC7, VTC9) thời gian qua đã khiến nhiều người dân cảm thấy hụt hẫng và bức xúc vì bị thiếu đi món ăn tinh thần quen thuộc, nhiều sắc vị.
Ông Khương nhận định, quyết định số hóa truyền hình mặt đất của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của phát sóng PTTH. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang truyền hình số từ nay tới năm 2020 được đánh giá là rất phức tạp vì toàn bộ nền tảng cơ sở hạ tầng và thiết bị truyền hình phải thay đổi để tương thích với công nghệ mới, đặc biệt là vấn đề thu xem của người dân bởi đa số tivi của dân vẫn chỉ hỗ trợ thu xem truyền hình analog. Vì vậy, song song với việc số hóa thì việc duy trì, thậm chí tối ưu hóa việc phát sóng analog vẫn phải thực hiện. Trong Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ lộ trình như vậy. Do đó, vẫn cần có một lộ trình phát analog đối với các chương trình quảng bá nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội các địa phương.
Hiện cả nước có khoảng 95% số hộ gia đình sở hữu máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình quảng bá bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng khác nhau. So với truyền hình analog, truyền hình số được đánh giá là phương thức phát sóng cho phép hình ảnh sắc nét, âm thanh chất lượng cao, tiết kiệm tài nguyên tần số quốc gia và có thể thực hiện tương tác 2 chiều giữa khán giả và nhà đài.
Tuy nhiên, nếu truyền hình analog cho phép người xem thu trực tiếp và miễn phí các chương trình truyền hình mà không cần bất cứ thiết bị nào đi kèm, thì với các chương trình phát sóng bằng phương thức truyền hình số, người xem nhất thiết phải kết nối tivi với 1 bộ thiết bị đầu thu kỹ thuật số đắt tiền.
Đảm bảo lộ trình số hóa truyền hình
Trong quá trình thảo luận về Đề án số hóa truyền hình đến năm 2020, vấn đề về khả năng tiếp cận được với kỹ thuật truyền hình số của người dân chính là băn khoăn lớn nhất để đảm bảo tính khả thi của đề án. Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, cái khó không nằm ở việc các đài có phát được không mà nằm ở chỗ, người dân có khả năng thu được hay không. Không những thế, để lộ trình số hoá truyền hình ở Việt Nam được nhanh chóng đi vào cuộc sống, Thứ trưởng cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, đây vẫn được coi là bài toán khó với nhiều người dân khi với công nghệ số yêu cầu bắt buộc phải có thiết bị chuyển đổi. Để xem được các chương trình truyền hình theo công nghệ số, 16 triệu hộ gia đình trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ phải đầu tư thêm một khoản tiền không nhỏ để mua thiết bị thu tín hiệu truyền hình số (còn gọi là đầu thu KTS) với giá thấp nhất hiện nay là 500.000 đồng. Đó là số tiền không nhỏ với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Ông Lê Văn Khương nhận định: “Việc VTC được chính thức phát analog sẽ phần nào giảm bớt sự thiệt thòi của người dân trong thời điểm hiện nay. Là một trong 2 đài truyền hình quốc gia, nhưng nếu VTC chỉ được phát sóng qua phương thức kỹ thuật số thì sẽ không thể tiếp cận được với người dân trên mọi vùng miền để thực hiện chức năng và nhiệm vụ tuyên truyền đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo nên một “thế giới phẳng” và sân chơi bình đẳng về thông tin giữa mọi người dân”.
Song, ông Khương cũng khẳng định đây chỉ là một bước quá độ trong lộ trình chuyển sang phương thức phát sóng kỹ thuật số. VTC sẽ chỉ phát sóng theo công nghệ analog trên cơ sở các kênh truyền hình sẵn có trên hệ thống truyền hình số và vẫn đảm nhận trọng trách tiên phong thực hiện lộ trình số hoá đến năm 2015. Việc phát sóng analog cũng nhằm hỗ trợ một phần trong việc VTC đẩy nhanh quá trình triển khai mạng truyền hình số trên diện rộng.
Theo đó, “từ nay cho tới khi 95% người dân sẵn sàng với truyền hình số, khán giả vẫn xem được nhiều chương trình truyền hình của VTC như Việt Nam Online, kênh truyền hình VTC14 chuyên về phòng chống thiên tai, hiểm hoạ, ngoài ra là các chương trình thể thao, giải trí mà VTC có bản quyền phát sóng như giải bóng đá Ngoại hạng Anh…”, ông Khương nói.
Theo ICTNews