Thế giới đối phó với game online
Trước tình trạng nghiện trò chơi điện tử tràn lan, một số quốc gia, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc, đã thắt chặt luật quản lý trò chơi điện tử trực tuyến, và mở các trung tâm chữa trị bệnh nhân nghiện game.
Tại các nước phương Tây trò chơi điện tử, dù là trực tuyến hay không, đều được phân loại rất rõ ràng, như phân loại các phim điện ảnh, và gần như mọi cửa hàng bán lẻ từ chối bán những trò chơi không được phân loại.
Thanh niên chơi trò chơi điện tử tại một quán cà phê Internet ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Ở Canada và Mỹ, Tổ chức đánh giá phần mềm giải trí (ERSB) đảm nhận vai trò này. Các phân loại của ERSB được bắt đầu từ năm 1994, bao gồm eC (early childhood: dành cho trẻ em), E (everyone: tất cả mọi người), E10+ (mọi người trên 10 tuổi), T (teen: dành cho thanh thiếu niên, trên 13 tuổi), M (Mature: chỉ dành cho người 17 tuổi trở lên) và Ao (Adults only: chỉ dành cho người đã đủ 18 tuổi). Theo luật, những hãng bán lẻ trò chơi được xếp loại Ao cho trẻ em có thể bị phạt rất nặng, lên tới 1.000 USD.
Các hệ thống tương tự cũng được sử dụng ở châu Âu.
Buộc đăng ký thông tin cá nhân
Game online gắn liền với bạo lực học đường
“Hiện nay ngày càng nhiều game online mang tính bạo lực thu hút rất nhiều học sinh tham gia. Nó như có ma lực biến một học sinh ngoan hiền, học giỏi có thể trở thành một sát nhân. Nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra xuất phát từ việc chơi game bạo lực mà thủ phạm là ở lứa tuổi vị thành niên”, Lưu Hoàng Giang - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Định (Q.8, TP.HCM) - đã nói như thế tại diễn đàn “Nói không với bạo lực học đường - hành động của chúng ta”.
Đây là hoạt động do Ban chỉ huy chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ 2010 tổ chức vào sáng 27-6 tại Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM). Nhiều ý kiến tham gia tại diễn đàn của các chuyên gia tâm lý, giáo dục cùng gần 200 chiến sĩ Hoa phượng đỏ đã cùng nhau mổ xẻ và đưa ra các cách ứng xử cho học sinh khi gặp phải những tình huống bạo lực học đường.
Tại Trung Quốc có tới 105 triệu người chơi trò chơi điện tử trực tuyến, theo số liệu công bố tháng 4-2010 của Trung tâm mạng Internet quốc gia. Bộ Văn hóa nước này đã có luật yêu cầu những người chơi một số trò nhất định phải đăng ký tên thật và các thông tin trong hồ sơ cá nhân có thể kiểm tra được.
Trẻ em dưới một độ tuổi nhất định sẽ không được phép chơi những trò không phù hợp. Ngoài ra, luật mới cũng cấm việc tạo ra sự đối đầu bắt buộc giữa các người chơi với nhau.
Từ năm 2005 chính quyền Trung Quốc đã ra quy định hạn chế số giờ chơi điện tử trực tuyến là ba giờ. Đến năm 2006, luật này được nới lỏng theo hướng chỉ có người chơi dưới 18 tuổi mới bị hạn chế chơi ba giờ. Tuy nhiên, sự quan ngại đã gia tăng sau những vụ thiệt mạng do chơi điện tử.
Hồi tháng 2-2007, một thanh niên 26 tuổi tên Xu Yan ở tỉnh Liêu Ninh đã thiệt mạng sau khi chơi điện tử liên tục trong 15 ngày. Tháng 12-2007, một người đàn ông 30 tuổi ở Quảng Châu cũng chết sau khi chơi liên tục trong ba ngày. Do đó, Trung Quốc đã ra luật mới thắt chặt kiểm soát trò chơi trực truyến.
Tại Hàn Quốc, đất nước với tỉ lệ người sử dụng Internet cao nhất nhì thế giới, tình hình cũng khá trầm trọng.
“Tôi chơi điện tử 24 giờ một ngày trước khi ngã gục xuống và ngủ thiếp đi, nhưng rồi lại thức dậy săn lùng những con quái vật” - S. H. Kang, một tay nghiện trò chơi trực tuyến, đã đạt cấp 162 và vươn lên là một trong năm người dẫn đầu trò PC Bang, một trò phù thủy săn lùng quái vật, nói với Business Week.
Ngoài đời thật, trò chơi điện tử đã khiến Kang mất cửa hàng mỹ phẩm vào năm 2001 và sống vật vờ cho đến nay.
Một cuộc thăm dò do nhà nước bảo trợ cho thấy khoảng 546.000 người, tương đương 2,4% những người Hàn Quốc ở độ tuổi 9-39, mắc các chứng nghiện Internet và trò chơi điện tử, mối quan ngại mà nhiều chuyên gia cho rằng còn đáng lo hơn so với các chứng nghiện rượu, cờ bạc hay ma túy.
Cấm chơi lúc nửa đêm
Cái giá phải trả cho ngành kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến, có doanh số 1,5 tỉ USD trong năm 2009, là khá đắt, với nhiều vụ việc thương tâm. Chính quyền Hàn Quốc đã vào cuộc từ lâu. Bộ Thông tin và truyền thông bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra với người nghiện trò chơi điện tử tám năm qua, và thiết lập các trung tâm tư vấn cai nghiện ở tám thành phố trong cả nước.
Tiền để các trung tâm đó hoạt động chính là từ lợi nhuận của những công ty phát triển trò chơi như NCsoft. Hãng trò chơi điện tử và phần mềm ở Seoul này phải trả hàng trăm nghìn USD mỗi năm để duy trì 40 trung tâm như thế.
Tuy nhiên, nhiều người than phiền rằng luật chưa đủ mạnh. Lee Hyung Cho, nghiên cứu viên tại Trung tâm Y tế và phúc lợi gia đình Seoul, nói chính quyền phải cương quyết hơn, với những đề xuất hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận trò chơi điện tử, đưa chương trình giảng dạy tác hại của chứng nghiện trò chơi điện tử vào nhà trường, thậm chí đặt ra giờ giới nghiêm cho các quán Internet trước nay vẫn mở cửa thâu đêm suốt sáng.
Vụ việc thương tâm vào tháng 3 năm nay, khi một cặp vợ chồng mê chơi điện tử bỏ đói đứa con gái sơ sinh đến chết, đã làm dấy lên những làn sóng lo ngại càng lớn hơn.
Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã ra thời hạn chót cho đến cuối năm 2010, các hãng sản xuất và nhập khẩu trò chơi điện tử trực tuyến phải trình bày các kế hoạch tự nguyện giúp dứt các em nhỏ khỏi màn hình máy tính, cũng như hạn chế việc người lớn chơi điện tử.
Chính quyền Hàn Quốc cũng đã ra lệnh cấm trẻ em chơi điện tử vào ban đêm. Chính quyền cắt mạng Internet của các game thủ nhỏ tuổi từ nửa đêm đến sáu giờ sáng. Những người chơi hơn sáu giờ trong ngày cũng sẽ bị cắt mạng Internet. Chính quyền lên danh sách đen 19 trò chơi điện tử riêng biệt trong lệnh cấm chơi ban đêm.
Tại Thái Lan, sau vụ việc Pongsathorn Wattanabenjasopha, một em nhỏ 12 tuổi, tự sát vì không được chơi trò chơi điện tử trực tuyến vào năm 2008, chính quyền đã ban hành luật chỉ cho phép trẻ em dưới 15 tuổi được chơi điện tử tối đa đến 20g mỗi ngày, và từ 15-18 tuổi là tới 22g.
Những cửa hàng Internet nào để trẻ nhỏ ngồi lại sau giờ giới nghiêm có thể bị rút giấy phép vĩnh viễn.
Theo Thanhnien