PK950 series dẫn đầu dòng Plasma của LG
Ngoài thiết kế mỏng và thời trang theo phong cách Borderless, điểm ấn tượng trên TV Plasma 2010 LG PK950 là khả năng trình diễn hình ảnh tốt.
Trong thời gian sắp tới, dòng Plasma của LG sẽ đón nhận thêm một thành viên mới, LG PK950.
LG Plasma PK950 series. Ảnh:
Flatpanelhd.
Sử dụng phong cách thiết kế thời trang LG Borderless, nên TV Plasma PK950 của LG đã thời trang hơn với bề mặt kính che phủ hoàn toàn tấm màn Plasma, giúp loại bỏ hết những gờ và viền của màn hình.
Chân đế được làm từ kính giúp người dùng có thể xoay màn hình với những góc độ khác nhau. Nhưng LG lại đặt hệ thống các cổng kết nối tín hiệu chính nằm hoàn toàn ở phía sau, bởi vậy gây khó khăn cho người dùng khi muốn treo TV lên tường. Trong khi, chỉ có số ít các cổng kết nối phụ được đặt bên sườn, bao gồm cổng component, hai cổng USB (có thể kết nối với thiết bị Wi-Fi rời), và một cổng HDMI input.
So với những mẫu Plasma thế hệ trước, LG PK950 đã được LG làm mỏng hơn khá nhiều (dày khoảng 53 mm), tuy vậy, nó vẫn chưa thể sánh được với độ dày chỉ khoảng 30 mm ở những mẫu Plasma của Samsung. Ngoài ra, để phù hợp với phong cách thiết kế thời trang và hiện đại, PK950 được LG trang bị hệ thống nút bấm cảm ứng nằm phía bên phải ở mặt trước.
Hệ thống cổng kết nối trên PK950 được sắp xếp chưa thật sự hợp lý. Ảnh:
Flatpanelhd.
Trái với lời hứa hẹn sẽ bán PK950 kèm với điều khiển thông minh LG Magic Remote, PK950 chỉ được đi kèm với điều khiển LG thông thường, được thiết kế có màu đen bóng cùng với hệ thống phím bấm lớn. Nhưng những phím bấm lại có quá nhiều màu sắc khác nhau khiến cho điều khiển của LG giống một món đồ chơi hơn là phụ kiện đi kèm với một mẫu màn hình hiện đại.
Ngoài dịch vụ kết nối Internet NetCast, một số dịch vụ khác như YouTube, Picasa hay Accuweather cũng được bổ sung giúp cho TV Plasma của LG có thêm nhiều tiện ích trực tuyến. Khả năng hỗ trợ mạng DLNA, kết nối Bluetooth cũng là những tính năng không dây mà PK950 đang sở hữu, tuy nhiên, tốc độ truy xuất dữ liệu trên mạng mạng DLNA của thiết bị không cao, đối với thư mục có nhiều nội dung như các album ảnh kích thước lớn, máy hoạt động khá chậm chạp.
Nếu không sử dụng tính truy xuất dữ liệu từ mạng DLNA, người dùng có thể lựa chọn phát dữ liệu đa phương tiện thông qua cổng USB. Hình ảnh, nhạc, video (không hỗ trợ định dạng Mkv) đều có thể chạy trực tiếp trên USB và điểm hay của tính năng này là máy có thể phát nhạc từ thiết bị kết nối USB ngay cả khi màn hình được tắt đi.
Plasma của LG hỗ trợ nhiều dịch vụ trực tuyến, ứng dụng mạng, tuy nhiên tốc độ truy xuất dữ đôi lúc tỏ ra chậm chạp. Ảnh:
Flatpanelhd.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất có thể nhắc đến ở trên mẫu LG Plasma thế hệ 2010 là khả năng trình diễn hình ảnh rất tốt.
Hình ảnh được thể hiện chi tiết, sắc nét hơn nhiều so với những mẫu Plasma thế hệ cũ của LG. Nhờ sử dụng công nghệ TruBlack filter, dải màu đen của hình ảnh đã trở nên sâu và đậm hơn đồng thời màu sắc thể hiện tương đối rực rỡ.
Với nguồn phát chất lượng SD, hình ảnh trên PK950 vẫn có thể cho chất lượng chuẩn và chi tiết. Nếu sử dụng với nguồn HD, khả năng trình diễn của màn hình còn tốt hơn, hình ảnh vẫn giữ được độ phân giải chuẩn ngay khi ở trong những khung hình chuyển động có tốc độ cao, như các cảnh hành động hoặc thi đấu thể thao. Trong khi sử dụng, người dùng nên để chế độ "Just Scan" để màn hình có thể tự căn chỉnh độ phân giải tùy theo nội dung nguồn phát, cho chất lượng hình ảnh ở mức độ tối ưu. Còn chế độ hình ảnh THX trên thiết bị sẽ giúp màu sắc của hình ảnh được thể hiện trung thực nhất.
LG PK950 nổi bật ở khả năng trình diễn hình ảnh. Ảnh:
Flatpanelhd.
So với LCD, màn hình Plasma có thời gian đáp ứng nhanh hơn, nhưng lại gây ra hiện tượng lưu giữ hình ảnh.
Đó là khi xem một hình ảnh cố định nào quá lâu, thì hình ảnh đó sẽ bị lưu giữ lại thành những bóng mờ và xuất hiện ẩn ở phía dưới những khung hình tiếp theo. Tuy nhiên, PK950 đã giảm thiểu sự lưu giữ hình ảnh đó, tốt hơn những mẫu Plasma của Panasonic, trong khi thời gian đáp ứng vẫn rất nhanh.
Nếu so sánh độ sâu của dải màu đen trên màn hình một cách chính xác, sau khi cân chỉnh, độ sáng trên PK950 chỉ là 0,04 cd trên một m2 trong khi ở những mẫu Plasma 2009 của LG là 0,12 cd trên m2. Những phần hình ảnh có màu tối được thể hiện tốt, tuy nhiên, chưa thể nói là hoàn hảo, đôi khi vẫn còn xuất hiện một hoặc hai vùng tối xám tối thay vì màu đen hoàn toàn.
So với LCD, Plasma luôn tỏ ra lợi thế hơn với việc cung cấp cho người xem nhiều góc nhìn. Không có điều gì chê trách khi nói về góc nhìn hình ảnh trên PK950, độ tương phản không bị thay đổi nhiều khi người xem thay đổi vị trí xem khác nhau. Hình ảnh chỉ bắt đầu bị mờ dần khi người xem quan sát ở những góc từ 75 đến 90 độ so với TV.
Nhưng thật không may, việc sử dụng thiết kế dạng Borderless với một màn kính đã khiến cho PK950 bóng và bị phản chiếu ánh sáng trong một số trường hợp.
Hình ảnh chỉ bắt đầu bị mờ dần khi xem ở những góc từ 75 đến 90 độ so với màn hình.
Ảnh:
Flatpanelhd.
Chất lượng âm thanh lại không tạo nhiều ấn tượng.
Với xu hướng mỏng hóa TV hiện nay, việc đặt loa ẩn vào bên trong màn hình đã khiến cho không gian hoạt động của loa trở nên chật hẹp hơn. Bởi vậy, như trên mẫu Plasma mới của LG, tiếng bass và treble được phát ra từ hệ thống loa ẩn đã tỏ ra yếu ớt. Nếu để xé về âm thanh trên PK950, có lẽ tính năng Clear Voice là điều hữu ích nhất khi nó tăng cường giọng nói, giúp người nghe có thể cảm nhận rõ ràng và chi tiết hơn tiếng nói được phát ra từ TV.
Mẫu Plasma 2010 PK950 series sẽ được LG phát hành ra thị trường vào cuối quý II hoặc quý III năm nay với hai kích thước 50 và 60 inch. Theo đánh giá của
FlatpanelHD, LG PK950 sẽ là một trong những mẫu HDTV 2010 đáng giá mà người tiêu dùng nên lựa chọn. Ngoài thiết kế mỏng thời trang và khả năng trình diễn hình ảnh khá ấn tượng, chắc chắn LG sẽ còn mang đến cho sản phẩm của mình một giá bán rất hợp lý.
Theo Sohoa