Thị trường ICT 2010: 3G chỉ là "đồ trang sức"?
Mạng điện thoại 3G sẽ chưa phát huy được những đặc điểm ưu việt trong năm 2010, các dịch vụ ứng dụng ICT vào ngành y tế, giáo dục, kinh tế cũng như thanh toán trực tuyến sẽ bùng nổ về chất và lượng đặt nền móng vững chắc cho cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử.
Thứ trưởng Bộ TT-TT cùng tham gia dự đoán xu hướng của ICT 2010 với ICT Press Club. (Ảnh: Thái Khang/Vietnam+)
Đây là 2 trong số 10 xu hướng phát triển chủ đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông được Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) dự đoán sẽ diễn ra trong năm 2010.
Băn khoăn 3G, leo lắt CDMA
Một trong những xu hướng chính có ảnh hưởng lớn đến đời sống công nghệ thông tin Việt Nam năm 2010 được ICT Press Club dự đoán là mạng 3G sẽ chưa thể “bung” hết sức.
“Các dịch vụ trên nền 3G phụ thuộc nhiều vào thiết bị đầu cuối (smartphone 3G và USB fast connect). Trong khi đó, giá một USB Fast Connect còn ở mức cao (khoảng 100 USD). Dịch vụ 3G cũng cần đầu tư tính bằng đơn vị nghìn tỷ đồng và thời gian để hoàn thiện chất lượng dịch vụ.”, đại diện ICT Press Club cho biết.
Dựa trên cơ sở này, nhiều người dự đoán, 3G trong năm tới sẽ chưa phát huy được những ưu việt của công nghệ mà chỉ dừng lại ở việc làm “trang sức” cho các mạng nhằm tăng số lượng thuê bao.
Về vấn đề này, dù chưa "hài lòng" với khái niệm "trang sức" nhưng đại diện của cả 3 mạng đi động lớn hiện đã hoặc đang triển khai 3G cũng thừa nhận: Thực tế, năm 2010, 3G sẽ chưa thể đạt được đột biến.
“Để triển khai công nghệ 3G, chúng tôi phải có sự đầu tư rất lớn, trong khi đó, sự tăng trưởng có khả năng sẽ hạn chế nhiều so với đầu tư. Vì vậy, chúng tôi xác định đây là sự đầu tư dài hạn cho 5 – 10 năm nữa”. - ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết. Tuy nhiên, ông Trung cũng chia sẻ là với công nghệ 3G, khả năng đem lại lợi nhuận là lâu dài.
Bên cạnh nguyên nhân nói trên, theo ICT Press Club, giá thiết bị di động phù hợp với công nghệ mới này còn ở mức cao. Điều này khiến nhiều người khó có khả năng tiếp cận với 3G.
Mặc dù, nhà mạng VinaPhone cam kết đã phân phối máy đầu cuối với giá rất hấp dẫn (dưới 2 triệu đồng) để tạo điều kiện cho khách hàng, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hết sức băn khoăn. Đại diện VDC, ông Vũ Hoàng Liên thẳng thắn: “Vấn đề căn bản vẫn là giá. Dù chất lượng dịch vụ có tốt đến đâu, đường truyền có nhanh đến mấy mà giá quá cao thì cũng không để làm gì”.
Cũng liên quan đến sự phát triển của 3G, ICT Press Club cũng đồng thời dự báo xu hướng Internet băng rộng di động sẽ tạo sức ép lên thị phần của Internet băng rộng cố định. Nhận định dựa trên công bố của VinaPhone và MobiFone về tốc độ lý tưởng của dịch vụ 3G (lên tới 7,2mbps). Nếu hạ tầng và chất lượng dịch vụ này đạt như công bố của các nhà mạng, mobile internet băng rộng có thể trở thành vật cản đường với internet băng rộng cố định đặc biệt tại các vùng đô thị ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Sự ra đời và phát triển của 3G sẽ làm tăng thêm tính cạnh tranh, khiến công nghệ CDMA thế hệ 2 sẽ khó còn có đất sống tại thị trường Việt Nam. Đây là xu hướng thứ ba được dự đoán sẽ làm thay đổi đời sống công nghệ thông tin viễn thông năm Canh Dần. Mặc dù không phải là dấu chấm hết, nhưng CDMA-2 sẽ chỉ như “ngọn nến” leo lắt và gần như khó có cơ hội cạnh tranh được với các doanh nghiệp thông tin di động đang sử dụng công nghệ GSM.
Nhiều trào lưu có khả năng bùng nổ?
Nhìn vào tiềm năng phát triển của công nghệ thông tin – truyền thông trong năm Kỷ Sửu, ICT Press Club tỏ ra khá lạc quan khi dự báo sẽ có khá nhiều trào lưu mới sẽ bùng nổ. Trước hết cần kể đến sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp làm nhiệm vụ bảo mật (kiểm tra lỗi phần mềm, website...). Xu hướng này sẽ giữ vai trò chủ chốt nhất là khi các ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và trong ngành tài chính, ngân hàng phát triển. Mặc khác, nhân lực, phương tiện cho ngành này còn khan và đắt đỏ. Do vậy, việc thuê dịch vụ sẽ tiết giảm chi phí hơn so với tự trang bị.
ICT Press Club cũng đưa ra khuyến cáo với các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng nâng cao năng lực để cạnh tranh với các “đại gia” nước ngoài như Kaspersky, Norton, McAfee... hiện đã bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam.
“Cú nổ” thứ hai được dự báo là sự tăng nhanh về số lượng các doanh nghiệp tham gia cung cấp nội dung số, nhất là trên điện thoại di động. Sự ra đời của 3G được coi như động lực cho cú nổ này.
Bên cạnh đó các dịch vụ như thanh toán trực tuyến, ứng dụng ICT trong y tế, giáo dục, kinh tế… cũng sẽ phổ biến hơn tạo tiền đề vững chắc cho việc cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử.
Ngoài ra, khả năng ứng dụng ERP (phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý các hoạt động then chốt, bao gồm: kế toán, phân tích tài chính...) cũng được dự báo phát triển mạnh ở các doanh nghiệp lớn.
Lạc quan về sự thay da đổi thịt của nền công nghệ thông tin – truyền thông năm tới, các chuyên gia của ICT Press Club cho rằng: năm 2010, mạng xã hội do chính Việt Nam sẽ thắng thế so với các mạng nước ngoài.
Xu thế thứ 9 được đưa ra là sự vươn lên mạnh mẽ của các “ngôi sao” doanh nghiệp ICT trẻ. Các doanh nghiệp “già” như FPT, CMC, VNPT… sẽ vẫn tăng trưởng nhưng cũng chỉ ở mức đã duy trì nhiều năm qua, không có đột biến, thậm chí đi ngang về công nghệ, sản phẩm, chiến lược. Đây chính là cơ hội để các “sao” ICT trẻ bật lên, (doanh nghiệp dưới 7 năm), tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mới, dịch vụ giá trị gia tăng, bảo mật, nội dung số…
Cuối cùng, xét trên tổng thể, ICT Press Club cho rằng: Công nghiệp phần mềm sẽ cán đích 800 triệu USD nhưng không đột biến. Các dự án sẽ vẫn ở mức độ vừa phải kể cả công nghệ và giá trị hợp đồng. Kinh tế thế giới hồi phục nhưng không phải đã hết khó khăn và khó có khả năng có những “khách sộp” cho ngành công nghệ phần mềm Việt Nam. Mặt khác, nguồn nhân lực cho ngành này còn yếu và chưa có đột phá về chất. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn phát triển doanh số theo chiến lược “lặng lẽ” tiếp cận khách hàng.
Tất cả 10 dự báo nói trên đều xoay quanh những vấn đề “sát sườn” của công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam, trên cơ sở đó, các nhà báo CNTT và Truyền thông của ICT PressClub cũng nhận định rằng, thị trường ICT Việt Nam 2010 sẽ chia ra làm hai mảng rõ rêt, thị trường viễn thông sẽ chậm lại tuy nhiên, tại thị trường công nghệ thông tin, với sự thúc đẩy và đầu tư của Chính phủ sẽ có bước tăng trưởng cao hơn, khoảng 70%./.
Theo Vietnam+