Những sự kiện nổi bật trong làng công nghệ 2009
TTO - Điểm nhấn trong số các câu chuyện nổi bật nhất năm qua của làng công nghệ là ở các cuộc thương thảo hợp tác chiến lược, sự xuất hiện của một số phiên bản hệ điều hành mới, cuộc chiến căng thẳng ở "trận địa" mobile và sự lên ngôi của mạng xã hội mở đường cho tìm kiếm theo thời gian thực...
2009 - một năm ảm đạm của nền kinh tế thế giới nhưng không ít sự kiện nóng bỏng trong làng công nghệ
Khi những người khổng lồ cố vươn vai
Suy thoái kinh tế phủ bóng khắp toàn cầu. Năm 2009 chứng kiến hàng loạt cuộc mua đi bán lại của các đại gia trong làng công nghệ.
Tháng 4, Oracle trả giá 7,4 tỉ USD để mua Hãng Sun Microsystems. Nếu thương vụ thành công, chắc chắn bản đồ ngành công nghiệp CNTT thế giới sẽ được vẽ lại, trong đó IBM sẽ là đối thủ bị ảnh hưởng đáng kể nhất. Mặc dù vậy, câu chuyện tốn giấy mực giữa hai gã khổng lồ đã không có hồi kết khi Ủy ban châu Âu làm căng.
Về mặt tài chính, số tiền Oracle đề xuất với Sun chỉ bằng một nửa so với những gì HP đã bỏ ra để mua gã khổng lồ EDS (13,9 tỉ USD). Tháng 9, Xerox mua lại ACS với số tiền 6,4 tỉ USD. Tháng 11, HP tiếp tục chi 2,7 tỉ USD để giành lấy 3Com.
Năm qua, tiếp tục chiến lược lâu nay, Google đã lần lượt hốt trọn hàng loạt hãng công nghệ mới nổi như Gizmo5 hay AdMob.
Microsoft và bữa tiệc Windows 7
Windows 7 được đón chào nồng nhiệt
Cả thế giới cùng hướng về New York hôm 22-10 để chứng kiến lễ ra mắt chính thức hệ điều hành Windows 7. CEO Steve Ballmer đã dành cả một ngày để quảng bá, cổ vũ sản phẩm, nhưng sự kiện lần này kém xa các bữa tiệc công nghệ trước đây của Microsoft.
So với Vista, Windows 7 ổn định, nhanh hơn, khắc phục được trở ngại thiếu driver và kém tương thích phần cứng. Tuy nhiên, khi Windows 7 ồn ào ra mắt thì 70% PC toàn cầu vẫn đang chạy XP.
Chrome OS - bom tấn hay bom xịt?
Chỉ sau một tháng Windows 7 ra mắt, Google cũng phát hành một phiên bản hệ điều hành riêng có tên Chrome OS theo giấy phép mã mở. Chrome OS đã tốn không ít giấy mực của báo giới khi lâu nay Google hoàn toàn xa lạ với việc sản xuất phần mềm, chưa nói tới chuyện ra mắt một hệ điều hành riêng.
Chrome OS sẽ chính thức phát hành vào năm tới, hứa hẹn sẽ mang đến cộng đồng một OS nhanh, đơn giản và an toàn hơn so với các đối thủ lâu nay khi hệ điều hành của Google dựa trên nền tảng đám mây và chủ yếu sử dụng các dịch vụ web từ trình duyệt.
Năm 2010 sẽ là năm giải đáp câu hỏi "bom tấn bom xịt" dành cho Chrome OS.
Yahoo “bán mình” cho Microsoft
Thế “chân vạc” Yahoo- Microsft- Google nay chỉ còn hai khi Yahoo quyết định “bán mình” cho Microsoft
Cuối cùng, hai “đại gia” cũng đi đến ký kết hợp tác, trước hết là về tìm kiếm trực tuyến. Tuy nhiên, ngay khi hợp đồng còn chưa ráo mực, giá cổ phiếu của Yahoo đã tụt dốc thê thảm, kết quả tất yếu khi các cổ đông gần như lắc đầu với quyết định được xem là “bán mình” của Yahoo.
Dẫu vậy, trở thành đối tác của Microsoft, trước mắt Yahoo có thể nhanh chóng giải quyết bài toán thâm hụt kinh doanh. Ngoài ra, doanh thu của Yahoo vẫn tiếp tục được duy trì mà không tốn kém cơ sở hạ tầng, đồng thời cũng phần nào có thêm tiềm lực để đối đầu với Google.
Tuy nhiên, việc hợp tác giữa Yahoo và Microsoft đã kết thúc số phận công cụ tìm kiếm của Yahoo! Search. Đó là một thiệt hại nhãn tiền và cả về lâu về dài.
Jobs trở lại sau cơn bạo bệnh
Steve Jobs trở lại đúng dịp ra mắt iPhone thế hệ 3
Sau khoảng thời gian dài im hơi lặng tiếng dành thời gian điều trị bệnh, Steve Jobs đã trở lại cùng với iPhone 3GS. Tập trung chuẩn bị cho ca ghép gan đã khiến thầy phủ thủy Apple vắng mặt ở nhiệm sở ngay từ đầu năm.
Giới công nghệ đặt ra câu hỏi: một khi Apple vắng mặt Jobs, liệu “quả táo” có thể tiếp tục chứng tỏ được vị thế của mình hay không.
Dẫy vậy trước mắt, sự trở lại của Jobs, tuy dáng vẻ vẫn còn xanh xao nhưng đã phần nào làm nức lòng các fan hâm mộ Apple.
Một năm của mạng xã hội
Mạng xã hội trở thành trung tâm của web
Năm qua chứng kiến sự nở rộ của mạng xã hội, cả các dịch vụ quốc tế và bản địa. Facebook, Twitter trở thành kênh liên lạc, chia sẻ hiệu quả của cộng đồng mạng. Ở Việt Nam xuất hiện khá nhiều dịch vụ blog, mạng xã hội.
Một số công ty, doanh nghiệp cũng bắt đầu nhận ra được “cái máy” hút thời gian của nhân viên khi các trò chơi mini trên mạng xã hội rất được ưa thích.
Mạng xã hội còn trở thành một kênh thông tin nhạy bén. Thông tin về cái chết của ông vua nhạc pop Michale Jackson lan đi như tên lửa trên Twitter. Các fan hâm mộ chọn Youtube để nghe lại những ca khúc lừng danh của ngôi sao quá cố. Facebook cũng trở thành địa chỉ để tưởng niệm huyền thoại một thời.
Intel gặp trục trặc với ủy ban chống độc quyền
Lâu nay, Intel vẫn gặp phải trục trặc với Ủy ban chống độc quyền châu Âu. Tháng 5, ủy ban này đã phạt “đại gia” ngành chip 1,44 tỉ USD vì bán phá giá.
Năm 2008, Ủy ban công bằng thương mại của Hàn Quốc ra lệnh trừng phạt Intel 25 triệu USD, cáo buộc hãng này thống trị thị trường vi xử lý.
Về phần mình, Intel cũng có những động thái mạnh mẽ khi tháng 11 quyết định hợp tác với AMD trong việc giải quyết tất cả các trục trặc liên quan đến chống độc quyền và bản quyền sáng chế, với con số 1,25 tỉ USD trả cho đối thủ.
Tuy thế, trận chiến pháp lý vẫn chưa chấm dứt khi Ủy ban thương mại liên bang Mỹ đã quyết định tổ chức điều tra tình hình kinh doanh của Intel. Tổng chưởng lý New York cũng vào cuộc, kiện tụng hãng sản xuất chip. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng trước mắt AMD sẽ hưởng lợi khá nhiều.
Theo Tuoitre