"Điện thoại Made in Việt Nam" - Chỉ còn chờ sổ đỏ
Những thiết bị sản xuất đắt tiền, những công cụ test thử không hề rẻ được nhập về từ nước ngoài kèm theo một đề án sản xuất điện thoại cực kỳ chi tiết đã được công bố. 10 tỉ đồng đã được bỏ ra, không phải quá nhiều so với tổng kinh phí đầu tư 25 triệu USD cho một nhà máy sản xuất điện thoại di động, nhưng chắc chắn cũng không phải là con số nhỏ… Và kết quả? Dự án sản xuất điện thoại đầu tiên tại Việt Nam vẫn nằm im trên giấy. Tại sao?
PV chương trình Cuộc Sống Số làm việc với Phó ban quản lý KCN và chế suất Đà Nẵng, Nguyễn Đình Phúc (Ảnh: DP)
Cách đây 3 năm, tại Đà Nẵng, một công ty chuyên về sản xuất điện thoại đã ra đời, đem theo hoài bão của những người sáng lập, sẽ xuất xưởng những chiếc điện thoại “Made in Việt Nam” đầu tiên trong thời gian không xa. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, hoài bão ấy vẫn chỉ nằm trên giấy dù tiền đã được đổ ra, công sức cũng đã được bỏ ra không ít. Vì sao thế?
Ấp ủ cuộc cách mạng điện thoại di động Việt Nam
Những chiếc điện thoại của các hãng sản xuất nước ngoài đang tràn ngập thị trường Việt Nam… Điện thoại Trung Quốc cũng đã bắt đầu cuộc “xâm lấn” quy mô của mình. Trong bối cảnh ấy, không ít người chờ mong Việt Nam sẽ sản xuất được những chiếc điện thoại cầm tay của riêng mình. Tất nhiên, đã là hàng quốc nội, muốn cạnh tranh thì giá phải mềm và chất lượng phải tốt mới có thể hấp dẫn người tiêu dùng. Theo tiêu chí ấy, một nhóm người đã ấp ủ cái dự án không hề “dễ nuốt”: xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động “made in Việt Nam” đầu tiên tại Việt Nam.
Và rồi… VinaMobi ra đời, đem theo hoài bão sẽ dùng số tiền đầu tư 25 triệu USD để làm một cuộc cách mạng về điện thoại di động thực sự tại thị trường trong nước. Bộ công cụ mô phỏng mođun XC18 được nhập về từ hãng Siemmens của Đức với giá 500 ngàn USD, thiết bị test chuyên dụng của hãng Rohde&Schwarz xuất xứ từ Đức cũng được VinaMobi đem về với cái giá lên tới vài trăm ngàn đô la Mỹ. Bên cạnh đó, các bản cam kết thoả thuận hợp tác nhập linh kiện từ các nước công nghệ tiên tiến đã được đặt bút ký… VinaMobi không tiếc tiền để có được những chuyến công du học hỏi kinh nghiệm tại Nhật, Mỹ, Singapore… tất cả vì những chiếc điện thoại mang tên Việt Nam.
Ông Lê Quang Hoà, Tổng giám đốc VinaMobi Việt Nam cho biết: “VinaMobi chưa có tham vọng cạnh tranh ở những thị trường lớn nhưng đã là sản phẩm nó sẽ có yếu tố cạnh tranh. VinaMobi sẽ cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh để học hỏi lẫn nhau, đưa sản phẩm của mình vào thị trường để người tiêu dùng hài lòng. Chính vì thế chúng tôi có chiến lược của chúng tôi là sản phẩm phải đặc biệt, phải gây ấn tượng cho người tiêu dùng và giá cả phải hợp lý, cụ thể giá cả phải rẻ hơn các đối tác khác VinaMobi cũng đặt việc bảo hành, bảo dưỡng lên hàng đầu”.
Sẽ có một nhà máy sản xuất điện thoại di động tầm cỡ?
Khi được Ban quản lý Khu công nghiệp Hoà Khánh – TP. Đà Nẵng cấp cho mảnh đất 14.200 mét vuông, mọi chuyện tưởng như đã có thể mỉm cười với VinaMobi. Ngay lập tức, 5 tỉ đồng được vinaMobi bỏ ra để san lấp mặt bằng, xây dựng rào bao, làm hệ thống điện nước. Một khu nhà điều hành khang trang cũng được mọc lên.
Đề án chi tiết xây dựng một nhà máy sản xuất di động tầm cỡ được tập trung xây dựng. Theo tiết lộ từ VinaMobi, giai đoạn 1, giai đoạn SKD, lắp ráp thủ công sẽ được tiến hành ngay sau khi xong nhà xưởng, sau đó sẽ là giai đoạn 2 – giai đoạn CKD, lắp ráp hoàn toàn tự động. Ít nhất hai băng chuyền có giá 1,5 triệu USD mỗi băng, tốc độ 60 ngàn chip trên giờ, sẽ được nhập về để phục vụ cho việc lắp ráp. Với công nghệ chuyển giao từ nước ngoài và được cập nhật liên tục hàng tháng, VinaMobi hy vọng sẽ sản xuất được những chiếc điện thoại có chất lượng. Theo chiến lược của VinaMobi, công ty này sẽ tập trung sản xuất cả 3 dòng điện thoại: giá rẻ, giá tầm trung và hàng cao cấp. Một số những dòng sản phẩm đặc biệt cũng sẽ được ra lò như: điện thoại hai sim, hai băng tần GSM và CDMA, điện thoại đa phương tiện…
Ông Lê Quang Hoà cho biết những lý do để VinaMobi hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng cạnh tranh của sản phẩm đó là chất lượng chuẩn quốc tế, giá cả lại mềm hơn do sản phẩm của VinaMobi được lắp ráp do chính các kỹ sư trong nước, tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, sản phẩm không bị đánh thuế…
Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Dự án bị chậm lại hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Đâu là nguyên nhân?
Không phải do thiếu vốn đầu tư.
Không phải do thiếu thiết bị hay nguyên nhân từ phía các đối tác. Tất cả chỉ vì một tấm giấy, nhưng là một tấm giấy hết sức quan trọng: Quyền sử dụng đất trong khu Công nghiệp Hoà Khánh - Điều duy nhất VinaMobi chưa thể có được trong tay.
Khốn khổ vì giấy phép
Chứng minh được dự án khả thi của mình, được dư luận ủng hộ, VinaMobi nhận được “lệnh bài” từ Bộ Tài nguyên Môi trường: Công văn số 4110/BTNMT-ĐĐ, được vụ trưởng vụ đất đai Nguyễn Khải ký ngày 11/11/2004 xác nhận VinaMobi đủ điều kiện nhận giấy quyền sử dụng đất.
Nguyên văn ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên Môi trường như sau: "Căn cứ theo quy định tại Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 về "quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê" và khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai năm 2003 về "quyền chung của người sử dụng đất" thì Công ty cổ phần VinaMobi đang sử dụng đất thuê lại trong khu Công nghiệp Hoà Khánh - Thành phố Đà Nẵng thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. " (Trích công văn số 4110/BTNMT-ĐĐ)
Tưởng đã có “lệnh bài” đường sẽ “thông”, tuy nhiên, chẳng ai lý giải nổi lý do vì sao suốt từ năm 2004 đến nay, bất chấp công văn chỉ đạo của Bộ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa đến được tay VinaMobi. Chưa hết, “giông tố” tiếp tục ập xuống đầu công ty này, khi gần đây liên tục rộ lên những tin đồn thổi: VinaMobi đã bị rút giấy phép đầu tư cũng như bị thu hồi lại đất với lý do dự án chậm triển khai. Khi tin tức từ truyền miệng được lan trên mặt báo, nhà đầu tư bắt đầu lo lắng, lãnh đạo VinaMobi mất ăn mất ngủ, nhân viên rục rịch bỏ đi… Tổng giám đốc Lê Quang Hoà cho biết: càng trấn an, họ càng không tin vì thông tin trên báo chí là không thể phủ nhận. Ông Hoà cho bình luận thêm: chúng tôi có một phần lỗi trong việc dự án bị chậm lại nhưng nếu nói công ty không quyết tâm theo đuổi dự án, nhận đất để giữ đất trống là không chính xác vì VinaMobi đã đấu tư không ít cho dự án này.
Thực hư thế nào? Chúng tôi đã tìm đến những người có thể xác nhận đúng thông tin.
Tiếp đoàn phóng viên, Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp và chế suất Đà Nẵng khẳng định: “Đến thời điểm này, chưa có quyết định nào thu hồi cả. Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với chủ đầu tư để xem xét lại vấn đề này có thu hồi hay không thu hồi. Khi nào Uỷ ban nhân dân Thành phố có văn bản chính thức thì chúng tôi sẽ báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố”. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cũng cho biết: “Hiện chưa có quyết định rút giấy phép hay thu hồi đất của VinaMobi. Uỷ ban TP Đà Nẵng chủ trương rất ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có công nghệ sạch như là Vinamobi… Hiện nay, Vinamobi đã cam kết trực tiếp nộp tiền sử dụng đất và sẽ được cấp giấy chứng nhận”.
Ông Lê Quang Hoà, Tổng giám đốc VinaMobi Việt Nam tiết lộ thêm: “Vừa rồi tôi cũng được cho biết nhiều tờ báo như Thanh Niên, Đà nẵng, Tuổi trẻ… đã đưa tin Đà nẵng đã thu hồi giấy phép đầu tư điện thoại di động và thu hồi luôn cả đất là 14.200m2. Nhưng thực chất không đúng như thế. Trong 10 ngày qua chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Sở tài nguyên MT và Ban quản lý khu CN và có một quyết định là chưa có quyết định rút giấy củaVinamobi”.
Như vậy, theo xác nhận của hai đại diện các sở ban ngành Đà Nẵng cũng như của chính VinaMobi, UBND Thành phố chưa hề đưa ra một quyết định nào thu hồi giấy phép đầu tư cũng như đất của công ty này. Trong công văn số 641/UBND-KTTH của UBND TP.Đà Nẵng, UBND nêu rõ đồng ý về mặt nguyên tắc thu hồi lại đất cho thuê đối với những dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin hiểu nhầm đây là quyết định thu hồi đất và rút giấy phép đầu tư của VinaMobi.
Trong khi tin đồn thổi vẫn chưa được đính chính rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, VinaMobi vẫn phải đối mặt với những hệ quả chẳng lấy gì làm vui vẻ.
VinaMobi Việt Nam cho biết, nhiều đối tác, thành viên của công ty đã rất bàng hoàng khi đọc được thông tin trên các báo, họ mất lòng tin vào công ty.
Ông Ngô Đào Trang, Trưởng phòng nhân sự, hành chính VinaMobi, ngán ngẩm nhận định: “Đúng là anh em cũng rất hoang mang. Lúc trước thì công ty có khoảng 30 người nhưng về chuyện thu đất thì bây giờ thì họ cũng bỏ đi rất nhiều. Công ty cũng rất băn khoăn vì mình đào tạo người ta và bây giờ họ đi thì bí mật công ty cũng khó bảo đảm, người ta đi mất cũng rất là tiếc. Tin đồn cũng gây khó khăn cho công ty trong những đợt tuyển dụng. Là thành viên trong công ty, tôi mong muốn Uỷ ban ND nhanh chóng xác nhận, xúc tiến giao quyền sử dụng đất để người ta đầu tư vào công ty, để cho anh em có đời sống cao và tốt hơn”.
Qua những công văn còn lưu lại, VinaMobi đã xác nhận với phóng viên rằng họ đã qua lại làm việc nhiều lần với Ban quản lý khu Công nghiệp Hoà Khánh cũng như Sở Tài nguyên môi trường tuy nhiên kết quả vẫn chưa thể đi đến đâu. Về tiêu chuẩn quan trọng để được cấp quyền sử dụng đất là nộp tiền thuê đất trong vòng 50 năm, VinaMobi cũng đã tha thiết xin được nộp nhưng cho đến tận bây giờ họ vẫn chưa được chấp thuận. Điều này thực sự khó lý giải, bởi chính Ban quản lý Khu công nghiệp và Sở Tài nguyên môi trường đã từng xác nhận: chỉ cần đóng đủ tiền thuê đất, VinaMobi sẽ có giấy đỏ trong tay.
Lời hứa của nhà quản lý
Qua buổi làm việc với đoàn phóng viên chúng tôi, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng đã cho biết: “Quyền lợi của doanh nghiệp này khi vào khu CN này đã có quy định cụ thể rồi, trong đó các doanh nghiệp này phải có hồ sơ dự án để xác định rõ được mục đích đầu tư, xem xét dự án này có khả thi không. Sau đó, có một hợp đồng với công ty hạ tầng khu công nghiệp và có chứng nhận rồi thì sẽ Sở Tài Nguyên Môi trường sẽ là người trực tiếp trình đơn xin cấp giấy chứng nhận đất. Quy trình này rất là nhanh, chỉ 3- 5 ngày là xong và Sở TNMT sẽ cấp giấy chứng nhận ngay miễn là người ta đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…Tôi khẳng định lần nữa là tính khả thi của dự án rất cao, người ta nộp tiền vào sẽ được cấp giấy trong thời gian sớm nhất”.
Như vậy, theo lời đại diện của Sở Tài nguyên Môi trường, chỉ cần từ 3 đến 5 ngày, những vướng mắc về thủ tục hành chính của doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động này suốt 3 năm qua sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, dù sao đó vẫn còn là lời hứa và chúng ta cùng chờ đợi cách giải quyết thực sự của những cơ quan có thẩm quyền tại Đà Nẵng trong việc cấp giấy quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Đà Nẵng vốn được biết đến như một địa phương rất cởi mở về thủ tục hành chính cho những doanh nghiệp quyết định đầu tư làm ăn tại địa phương. Hy vọng, sau những sự việc như của doanh nghiệp VinaMobi, hình ảnh của mảnh đất này vẫn là hình ảnh đẹp, hấp dẫn trong con mắt của các nhà đầu tư.
Riêng về dự án sản xuất điện thoại di động đầu tiên của Việt Nam, chúng ta cùng chờ đợi trong một thời gian không lâu nữa, sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục hành chính, những chiếc điện thoại “made in Việt Nam” đầu tiên sẽ được xuất xưởng. Khi đó, người tiêu dùng Việt Nam lại có thêm một sản phẩm để lựa chọn, để thoả mãn nhu cầu sử dụng của mình.
Nội dung bài viết được chuyển tải bằng hình ảnh qua chương trình Cuộc Sống Số, phát sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 11h, thứ 7 ngày 28/04/2007 và phát lại vào 16h10 chủ nhật 29/04/2007.
Quyết Thắng