Quyết tâm giảm vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam
Hiệp hội Doanh Nghiệp Phần Mềm Việt Nam (VINASA), bộ VHTT và bộ BCVT, ngày 16/5/2007 đã tổ chức tọa đàm. Đây là lần đầu tiên, cuộc tọa đàm về vấn đề bản quyền phần mềm (BQPM) được tổ chức có quy mô lớn với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp CNTT, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sử dụng...
Tại cuộc tọa đàm, thứ trưởng bộ BCVT Vũ Đức Đam đã khẳng định chủ trương, chính sách và quyết tâm của nhà nước rất nhất quán trong thực hiện bảo vệ BQPM để phát triển ngành PM và kinh tế đất nước, đồng thời tôn trọng các cam kết quốc tế. Ông Đam cho rằng, nếu giảm được tỷ lệ vi phạm bản quyền thì sẽ tạo được hình ảnh tốt trong con mắt các nhà đầu tư.
Cán bộ phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao C15 đang kiểm tra tình trạng bản quyền. Ảnh: VietnamNet
Còn ông Trương Gia Bình, chủ tịch VINASA bình luận, vấn đề bản quyền như là luật đi đường trên con đường hội nhập. Khi Việt Nam tham gia “con đường đó” bắt buộc phải tuân theo các luật lệ này. Ông Bình cho biết, ở Việt Nam chủ yếu DN CNTT là các công ty vừa và nhỏ. Trong khối các doanh nghiệp này, rất nhiều công ty có khả năng làm ra những PM tốt, nhưng rất hiếm công ty làm và nếu làm thì ít khó thành công mỹ mãn.
Tại FPT, có tới hơn 3.500 người làm PM nhưng lãnh đạo công ty (trong đó có ông Bình) kiên quyết không làm PM đóng gói. Nếu có thì chỉ làm PM ngân hàng, và phần lớn cho các ngân hàng nước ngoài. “Tại sao lại như vậy?”, ông Bình đặt câu hỏi và tự trả lời ngay rằng: “Vì các công ty không cảm thấy được an toàn về bản quyền”.
Các doanh nghiệp PM khác đều cho rằng, việc vi phạm bản quyền như hiện nay là mối ám ảnh cản trở sự đầu tư phát triển của các doanh nghiệp vào sản phẩm và cho rằng, cần phải giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền để tăng lòng tin của các nhà đầu tư với thị trường nội địa. Ông Đam cho rằng, về cơ bản, không phải với các quy định, văn bản pháp luật hiện nay chúng ta không bảo vệ được BQPM. Nếu chúng ta kiên quyết, chúng ta vẫn bảo vệ được. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp cùng bàn giải pháp xem cần kiên quyết chống vi phạm bản quyền thế nào, chứ không nên đổ cho khách quan.
Ông Đam khẳng định: “Mục tiêu trước mắt là cần nhanh chóng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới và phấn đấu sớm đạt mức ngang bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực”. Đúng lúc, mục tiêu này đã đạt được. Theo thông tin mới nhất từ liên minh Bản Quyền Phần Mềm BSA, tỷ lệ vi phạm hiện tại của Việt Nam là 88% và Việt Nam không còn nằm trong top 12 quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới.
Được biết, tọa đàm là khởi đầu cho một chương trình hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về BQPM trong hội nhập quốc tế do VINASA phối hợp với Bộ BCVT cùng các bộ ngành khác tổ chức trong 2 tháng 5 và 6/2007. Dự kiến, trong thời gian tới, VINASA sẽ cho thành lập “Trung tâm tư vấn BQPM và sản phẩm thông tin số” để triển khai các hoạt động tư vấn, bảo vệ BQPM trong lĩnh vực PM và nội dung số.
''Phải đi bằng cả hai chân''
Bên lề cuộc tọa đàm, thứ trưởng Vũ Đức Đam (TT VĐĐ) đã trao đổi với báo chí về những giải pháp và dự tính trong thời gian tới nhằm giảm thiểu tình trạng này....
Việt Nam (VN) đang trong danh sách những nước có tỷ lệ vi phạm BQPM lớn nhất trên thế giới. Xin thứ trưởng cho biết những giải pháp nhằm chống vi phạm bản quyền?
TT VĐĐ: Chúng ta muốn trở thành đất nước mạnh về CNTT, muốn xuất khẩu PM, gia công PM thì phải tôn trọng BQPM. Gần đây nhất, Thủ Tướng đã chỉ đạo đến năm 2010, VN phải đạt mức trung bình trong khu vực về vi phạm BQPM. Để làm việc đấy, chúng ta
Thứ trưởng bộ BCVT Vũ Đức Đam
phải làm song song 2 việc:
Thứ nhất, bằng giải pháp tổng thể. Chúng ta sẽ không chỉ dựa trên quan hệ thuần túy mua bán với các nhà cung cấp PM nước ngoài mà phải trên quan điểm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Chúng ta cần thuyết phục họ rằng, VN là đối tác tiềm năng, sẽ cùng tham gia, sáng tạo sản xuất PM.
Thứ hai, chúng ta phải có PM của VN. Điều này, cũng cần được hiểu cho đúng. Có thể, PM sản xuất tại VN là kết quả của quá trình chúng ta hội nhập, toàn cầu hóa, dựa trên những đối tác chiến lược đang có mặt ở VN...
“Hai chân” đó, nếu thiên về một chân nào cũng sẽ hỏng. Chúng ta không thể nói không mua PM nước ngoài, mà chỉ sử dụng PM của VN. Nói như vậy là duy ý chí, tự chúng ta sẽ hạn chế việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu chúng ta chỉ “đi cái chân” đó, không tập trung đẩy mạnh PM VN - đặc biệt là PM dùng cho số đông (như PM văn phòng), thì chính chúng ta sẽ chịu phí tổn lớn. Vì vậy, chúng ta phải “đi bằng hai chân”, đồng bộ và khôn khéo.
Chúng tôi đang bàn với bộ VHTT để có biện pháp xử lý vi phạm phù hợp. Nếu chúng ta cứ làm một cách cực đoan, nhiều người sẽ không được tiếp cận với công nghệ mới. Nhưng nếu chúng ta buông lỏng, chúng ta sẽ không tạo sự hấp dẫn của đầu tư, không tạo được môi trường cho CN PM phát triển. Vì vậy, chúng ta cần tiến hành song song 2 biện pháp.
Được biết, bên cạnh Microsoft, mới đây, hãng IBM cũng đã khuyến cáo với VN về tình trạng vi phạm BQPM. Ông có nhận xét gì?
TT VĐĐ: Như tôi nói ban đầu, quan điểm của Chính Phủ chỉ đạo với bộ BCVT, khi làm việc với tập đoàn lớn CNTT không dựa trên quan hệ giữa người mua và người bán. Vì với thu nhập của VN, chúng ta không thể giảm tỷ lệ vi phạm BQPM ngay được. Chúng tôi làm việc trên quan điểm đối tác chiến lược. Hiện bộ đang bàn với IBM về kế hoạch, một mặt là giải pháp nhằm giảm bớt bị vi phạm, mặt khác, IBM sẽ tham gia đóng góp tích cực vào công nghiệp PM của VN cũng như phát triển môi trường đầu tư của VN.
VN đã hoàn thành việc đàm phán về mua BQPM với Microsoft, vậy tới thời điểm nào VN sẽ ký kết với tập đoàn này?
TT VĐĐ: Trong PM văn phòng, PM thương mại, không chỉ có PM Microsoft. Nhưng vì PM văn phòng của Microsoft được dùng nhiều nhất ở VN nên khi nói đến vi phạm BQPM, người ta thường nghĩ ngay đến Microsoft. Chính phủ đã giao cho bộ BCVT bàn với Microsoft tìm ra giải pháp chung nhằm đạt mục tiêu chi phí hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện của VN để giảm tỷ lệ vi phạm trong thời gian sớm nhất, trở thành nước có mức vi phạm trung bình trong khu vực. Hiện tại chúng tôi đang còn các điều khung hợp tác, để thiết lập cam kết chung, nên chưa đưa ra thời điểm ký kết.
Về phía Nhà Nước, đảm bảo tạo môi trường chung cho xã hội, tôn trọng bản quyền PM. Còn về phía DN, họ có thể lựa chọn hoặc mua PM có bản quyền hoặc PM mã nguồn mở. Nguyên tắc thị trường cạnh tranh là lựa chọn PM thương mại và PM nguồn mở.Tùy vào khả năng sử dụng của DN, họ tự quyết định. Nhà nước sẽ không can thiệp vào việc lựa chọn này.
Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, ông cho biết nhận định về vai trò của PM thương mại và PM nguồn mở trong chiến lược phát triển?
TT VĐĐ: Chính Phủ luôn ưu tiên, chú trọng đến việc phát triển các PM sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, Chính Phủ rất quan tâm đến dự án về PM nguồn mở do bộ KHCN chủ trì. Chúng ta không nên đẩy PM mã nguồn mở đối lập với PM thương mại. Bộ BCVT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm sao để tạo môi trường giúp tất cả doanh nghiệp, hiệp hội tự do lựa chọn, phát triển.