Những “bẫy lửa” cho trẻ em
Lớp da mỏng manh, chưa có khả năng tự vệ, sự hiếu động - đó là những lý do biến trẻ thành “miếng mồi ngon” của ngọn lửa. Đáng buồn hơn, phần lớn những ca bỏng ở trẻ em lại xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.
Một bé gái 4 tuổi bị bỏng nặng vùng lưng và 2 chân do ngã vào nồi cháo (Ảnh: Quytutam)
Bất hạnh của trẻ từ sự bất cẩn của người lớn
“Ba em bé này còn nhẹ và may mắn. Cách đây 1 tuần có một bệnh nhi 4 tuổi, trong lúc chạy nhảy ngã vào hố đốt rác. Do không được cấp cứu kịp thời nên đôi chân của cháu dù đã được cứu chữa hết sức vẫn phải chịu thương tật nặng nề”, một điều dưỡng ở Khoa Phỏng, BV Nhi Đồng 1 cho biết, khi tôi hỏi thăm về 3 cháu bé bị bỏng lửa.
Cháu Lâm C.V (18 tháng tuổi, ở Cà Mau) bị bỏng trong một lần được mẹ cho đến nhà ông ngoại ăn giỗ. Mải chạy chơi, cháu bị ngã vào đống rác đang đốt bên hông nhà. Dù được cấp cứu ngay nhưng cả 2 chân và 2 tay bé cũng bị bỏng cấp độ 2.
Các bác sĩ cho biết, bé có nhiều hy vọng trở lại cuộc sống bình thường nhưng đòi hỏi phải được điều trị trong thời gian dài.
Cháu Nguyễn Thành D.C, 3 tuổi, khóc gọi tên cha khi thấy người lạ đến gần. Dù vết bỏng của bé nhẹ hơn các bệnh nhi khác, nhưng trên gương mặt bé vẫn hằn rõ sự sợ hãi tột độ.
Anh N.P.T.V (Bình Thuận), cha bé C, đau buồn kể lại: Vì gia cảnh đơn chiếc, anh phải gửi bé C cho một người hàng xóm trông hộ. Con trai bà này làm nghề hầm than, hôm đó là ngày vét lò, nhiều cây than được đưa lên khỏi mặt đất mà quên không được dập tắt.
Bà A, tên người hàng xóm, bế cháu C phụ con trai đun lò than, được một chốc, bà đặt cháu C xuống. Bé C hiếu động ra gần những cây than đang cháy để nghịch và ngã luôn vào đống than cây.
Nghe tiếng thét thất thanh của bé, bà A kinh hoàng lao ra. Bé nhập viện với thương tổn bỏng độ 3; 2 bàn chân, bàn tay trái bị cong quéo và rút cơ.
Trường hợp thứ ba là của bé Đoàn C.K, 13 tháng tuổi, ở TPHCM. Bố mẹ K là công nhân, hàng ngày gửi K ở nhà người hàng xóm tên T. Thấy đường hẻm bên hông nhà mấp mô, bà T sang hàng xóm xin những viên than tổ ong đã tàn về lấp, trong số đó có nhiều viên vừa được lấy từ bếp ra, vẫn còn bỏng rẫy.
Bé K lũn cũn đi ra sân, không may đạp chân vào đống than nóng. Bàn chân trái của K bị bỏng độ 3, vừa được ghép da nhưng vẫn bị cong vênh. Bác sĩ cho biết sau khi lành da, bé sẽ phải tập vật lý trị liệu để phục hồi cử động bàn chân.
Di chứng nặng nề của bỏng lửa
Theo BS Nguyễn Bảo Tường, Trưởng Khoa Phỏng-Chỉnh hình, BV Nhi Đồng 1: "Bỏng lửa ở trẻ em chỉ chiếm 18%, so với bỏng do nước sôi chiếm đến 74%, nhưng lại là những ca bỏng nặng do nhiệt độ thường cao hơn nhiều so với nhiệt độ sôi của nước. Trẻ bị bỏng do lửa thường phải mang nhiều di chứng nặng, phải trải qua thời gian điều trị lâu dài, đau đớn với nhiều ca phẫu thuật, cấy ghép da.
Có nhiều nguyên nhân gây bỏng lửa cho trẻ từ sơ sinh đến 15 tuổi, một số trường hợp cấp cứu cho thấy trẻ sơ sinh bị bỏng nhiều do người mẹ nằm hơ than trên những chiếc giường bằng tre, phên.
Đa số các bà mẹ đều không nghĩ độ nóng mình đang dùng là quá nóng đối với trẻ sơ sinh, vì da của các bé rất mỏng, rất dễ bị bỏng. Bỏng than là những ca bỏng nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Đối với lứa tuổi mẫu giáo, do tính tò mò, hiếu động, nhiều trẻ bị bỏng lửa từ những đống đốt rác, than,… Vết bỏng thường ảnh hưởng đến đôi bàn chân. Do bàn chân ít nhạy cảm nên khi bé có cảm giác đau đớn thì vết thương đã kịp ăn sâu. Nguy hiểm hơn, nếu không được cứu giúp kịp thời, bé có thể bị ngã cả người vào đống than, gây ra những thương tật nặng nề.
Ở lứa tuổi học sinh từ 6 đến 12 tuổi, trẻ rất hiếu động, tò mò, chính các trò chơi do các em tạo ra như đốt bao nylon rồi quăng ném tứ tung, đốt thuốc súng, đập trái nổ, đốt rác có bình gas, quẹt gas hư cũ hay các bé gái chơi trò nấu ăn…, đã tự làm bỏng cơ thể mình.
Chúc Vui!!!!
Theo dantri