Bi kịch “chân cong, váy ngắn”
Không học vấn, không vốn liếng, A sa chân như rất nhiều cô gái quê khác - những cô nàng “chân cong, váy ngắn”. Nhưng nhan sắc như cô cũng không thể lọt vào chốn cao sang của khách làng chơi, cô bị đẩy ra đường, nhạt nhòa hằng đêm phấn son bắt khách...
Con người ta sinh ra không ai muốn đến một ngày mình trở thành tội phạm, cũng không ai muốn cuộc đời mình gặp toàn những trắc trở, éo le, thế nhưng, có những cuộc đời, thật vô tình đã không theo ý muốn.
Tôi đã gặp một cuộc đời như thế, khi nói chuyện với cô - người phụ nữ đã có một con, sinh ra ở một miền quê nghèo của vùng đất trung du thuộc xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, và tự hỏi lòng mình, nếu như đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự của cô, với một người cha dượng táng tận lương tâm và một người mẹ thương con nhưng vì muốn bảo toàn cái gia phong mục ruỗng, đã không dám lên tiếng, thì liệu rằng tôi có đủ dũng cảm để bước ra khỏi cái đường ray cố định như cuộc đời cô hơn hai mươi năm nay?
Tuổi thơ bất hạnh
Xin được giấu tên cô, cũng như tất cả các cô gái mại dâm khác, bởi chúng tôi nghĩ rằng, là người phụ nữ, không ai muốn phải làm cái nghề mạt hạng này và cái tên, suy cho cùng cũng giống như mọi cái tên, thế nên tôi tạm gọi cô là A. “Tại sao chị lại làm nghề này?” - tôi hỏi A mà trong lòng cảm thấy thật áy náy bởi đó là câu hỏi mang tính... báo chí, nhìn ở một góc độ nào đó nó hơi lạnh lùng.
“Nếu chị ở trong hoàn cảnh của tôi, chị sẽ không hỏi tôi câu ấy” - người phụ nữ vừa qua tuổi 20 được mấy tháng nhìn thẳng vào mắt tôi và trả lời. Đó là lần đầu tiên tôi bị “phản biện” và cảm thấy thật lúng túng trước cô - một gái mại dâm nhan sắc không có gì nổi bật. Chỉ có đôi mắt trũng sâu của cô đang chan chứa những giọt nước long lanh là nói hộ tất cả. Một cuộc đời buồn tủi đã được cô kể lại trong những tiếng nấc thật khó nhọc.
Hình ảnh về mẹ trong ký ức tuổi thơ của A chỉ là những vệt mờ nhạt. Khi mang thai cô được 6 tháng thì bố mẹ cô chia tay nhau vì mẹ cô không thể chịu được cuộc sống tràn ngập mâu thuẫn và những lời hắt hủi của bà nội cô.
Cha cô là một người đàn ông nhu nhược, thương vợ nhưng không dám trái lời mẹ nên cuối cùng đành chấp nhận chia tay vợ. Khi A được 2 tuổi thì được giao trả về cho bố nuôi dưỡng vì lúc ấy mẹ cô đi bước nữa. Sống với cha nhưng lúc nào A cũng đau đáu nhớ mẹ trong khi mẹ cô bận bịu gia đình mới, thỉnh thoảng mới về thăm con.
Lên 8 tuổi, nỗi nhớ mẹ vẫn không khi nào nguôi ngoai khiến A quyết định bỏ nhà đi tìm mẹ. Lúc này, mẹ cô đã sinh thêm hai em bé với người chồng mới, vậy là 3 đứa trẻ có mặt trong cái tổ ấm chắp vá ấy khiến cuộc mưu sinh càng khó khăn hơn gấp bội.
Người cha dượng của A đã có một đời vợ và 4 đứa con, không hiểu có phải vì lý do không cáng đáng nổi kinh tế hay vì một lý do gì khác đã bắt cô bỏ học. Vì thế, việc đọc chữ đối với A bây giờ cũng chỉ là bập bẹ, phải đánh vần thật lâu mới có thể đọc hết trang sách chữ to.
Thay vì việc cắp sách đến trường, hàng ngày, A phải dắt trâu đi cày, gánh phân ra đồng. Một lần bị làm mất trâu, A nhận trận đòn thừa chết thiếu sống của cha dượng, và những trận đòn ấy cũng đến thường xuyên hơn mỗi khi cô mắc một lỗi nhỏ như nấu canh hơi mặn, kho cá hơi nhạt...
Đến khi cô vào tuổi thiếu nữ, một bước ngoặt mới lại thay đổi cuộc đời cô, theo một chiều hướng xấu. Một buổi đi làm đồng về, cô bị cha dượng lấy đi cái quý giá nhất của đời con gái. Dì cô phát hiện sự việc, cha đẻ cô làm đơn kiện, nhưng khi ấy mẹ cô đang mang bầu đứa em út đã quỳ sụp xuống chân con gái, khóc lóc van xin cô vì thương các em mà tha cho người cha dượng.
Nỗi lo sợ bị cha dượng làm hại đeo đẳng tâm hồn cô gái mới 13-14 tuổi khiến cô ngày một héo úa và luôn rơi vào tình trạng hốt hoảng khi không có mẹ ở nhà. Nhưng, như một con thú đã quen đường tìm mồi, gã cha dượng không buông tha cho cô, luôn giở trò đồi bại với A khi không có ai ở nhà.
Khi A đã 15 tuổi, gã cha dượng khi ấy biết không thể tiếp tục làm hại cô được nữa đã đẩy cô vào một bi kịch mới, gã bắt cô lấy chồng - một người đàn ông nửa khôn nửa dại ở làng bên - người mà cô chưa từng một ngày yêu thương.
Tận cùng bi kịch
1 năm sau thì A sinh con. Cô bé nhà quê ít học ngờ nghệch đến mức, khi cái thai đã gần đến tháng sinh, A mới biết. Nhà chồng nghèo, cái giường cũng không có mà nằm nên đêm đêm cô phải trải chiếu ngủ dưới nền đất ẩm ướt. Ngày nắng thì không sao, chứ cứ đến mùa mưa, mỗi buổi đêm lại là một cực hình đối với mẹ con cô.
Trụ cột gia đình là một người đàn ông bất tài, không biết kiếm tiền, lại còn dở khôn dở dại, đã có lúc A muốn chết quách cho xong, nhưng cứ nghĩ đến cậu con trai nhỏ, A lại dằn lòng xuống. Càng nghĩ, cô càng thấy hận gã bố dượng và thấy thương thân mình.
Một lần, có đứa bạn đi làm ăn ở Hà Nội về rủ cô bỏ quê lên thành phố. Mấy đêm liền cô không ngủ được vì nghĩ đến những ngày tiếp theo, đời mình sẽ ra sao, cuộc sống mưu sinh nơi phố thị sẽ thế nào. Và cái ngày cô cắp quần áo thút thít khóc vội vàng hôn đứa con nhỏ rồi theo người bạn lên Hà Nội cũng đến. Chồng cô cũng đồng ý cho cô đi.
Và A đã sa chân, như rất nhiều cô gái quê khác. Nhưng nhan sắc như cô cũng không thể lọt vào chốn cao sang của khách làng chơi, cô bị đẩy ra đường, nhạt nhòa hằng đêm phấn son bắt khách. Khách của A là những anh xe ôm, những người đàn ông lao động chân tay, họ cũng đều từ các miền quê lên thành phố làm thuê.
Những “cuộc tình” chóng vánh cũng giúp A kiếm thêm tiền gửi về quê nuôi con hằng tháng. Biết là chẳng ra gì, thế nên mỗi khi đứng bắt khách, A lại đeo khẩu trang kín mặt, để cho những người cùng quê lỡ chẳng may nhìn thấy cô sẽ không nhận ra, một phần cũng là để lừa khách làng chơi, bởi nếu với khuôn mặt mộc mạc của mình, hẳn cô thật khó có thể cạnh tranh với các “đồng nghiệp”.
Sau 2 tháng đứng đón khách, cô đã bị Công an bắt trong một lần họ làm nhiệm vụ tuần tra. Vào Trại Lộc Hà, rồi A bị đưa lên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 ở Ba Vì, Hà Tây, 18 tháng - đó là một quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để cho A thấm thía nỗi nhớ đứa con nhỏ mới được vài tuổi.
Ngày được trở về đoàn tụ với gia đình, A đã khóc như đứa trẻ khi được ôm cậu con trai trong vòng tay, lúc này đã 5 tuổi. Người chồng đần độn cười hềnh hệch đón vợ trở về như sau một chuyến... công tác dài ngày.
Ngay hôm sau, cô ôm con trở về nhà mẹ đẻ, nhưng anh chồng lại mò sang nằng nặc bắt cô về. “Về thì ngủ ở đâu, lại manh chiếu rách trải xuống dưới nền nhà ẩm thấp ư?” - Anh chồng lại cười ngớ ngẩn trước câu hỏi của vợ mà có lẽ nghĩ cả đời anh ta cũng không tìm ra câu trả lời.
A mở hàng nước bán tại nhà mẹ đẻ, nhưng lãi lời chẳng được bao nhiêu, lại suốt ngày nghe tiếng đay nghiến của cha dượng, những tiếng thở dài não nuột của mẹ đẻ, A thấy cuộc đời mình bế tắc thực sự. Một cuộc đời chưa kịp giở sang trang đã vội vàng đóng sập lại trước mắt A. Như con ngựa đã quen đường cũ, A lại ra đường bắt khách và bị bắt chỉ sau 3 ngày “tái nghiệp”.
“Vợ chồng em sẽ ly hôn thôi” - A chùng giọng. “Ngày xưa, bố mẹ em chia tay nhau, thế nên cuộc đời em bị đẩy vào bi kịch, nhưng bây giờ, vợ chồng em bỏ nhau, em không thể đẩy con em vào bi kịch được. Nó có tội gì đâu”. Và A khóc, chan chứa như muốn cho vơi hết những đau đớn mà cô đã trải qua.
Cả mấy buồng đang giam các cô gái mại dâm, đều ngẩn ra nhìn A khóc. Chúng tôi - cũng là phận phụ nữ - sao mà thấy thật khó xử. Biết an ủi cô điều gì đây, khi mà cuộc đời cô gặp quá nhiều trớ trêu, bất hạnh.
Lại thầm nghĩ, giá như ai đó giúp cho các cô có được một công việc với thu nhập ổn định, đủ để nuôi con và trang trải cuộc sống tối thiểu, thì hẳn là các cô gái nông thôn như A, không phải tìm đường lên thành phố và nhập nhòe hằng đêm ở những chốn xa hoa, trụy lạc. Và hẳn, cuộc sống này sẽ bớt đi những bi kịch...
theo dantri.com.vn