Maybach 62, vui hay buồn?
TTO - Ðành rằng người ta có quyền làm bất cứ chuyện gì người ta muốn với đồng tiền của mình, nhưng...
Ngày 28 tháng 11, tình cờ tôi đọc được bài viết trên “Tuổi Trẻ Online” về chuyện một đại gia ở trong nước “chơi nổi” với việc bỏ ra cả triệu đô la mua chiếc xe thuộc hạng "siêu sang" Maybach 62.
Ðành rằng người ta có quyền làm bất cứ chuyện gì người ta muốn với đồng tiền của chính mình, chuyện mua xe cũng hoàn toàn hợp pháp. Nhưng thực tình tôi chẳng thấy chi là vui hay hãnh diện với chuyện “Maybach 62” cả, ngược lại tôi cảm thấy rất buồn khi nghĩ đến thực trạng của nước Việt Nam hiện taị mà lại có người hành động như vậy.
Suốt từ năm 1955 đến đầu thập niên 1990, GDP/người của Việt Nam chỉ tăng dưới 2%. Điều này có nghĩa là một người Việt Nam đã phải cần 35 năm mới có thể tăng gấp đôi thu nhập và mức sống của mình, trong khi đó Đài Loan chỉ cần 11 năm và Thái Lan chỉ cần 15 năm(*). 10 năm qua, với GDP bình quân đầu người của người dân Việt Nam đã tăng lên với mức trung bình là 7,4 %, nhưng vẫn ở mức khoảng 700USD/người/năm, trong lúc đó Ðài Loan 16.024USD/người/năm và Thái Lan thì đang ở mức gấp 3 lần Việt Nam.
Một đất nước như vậy mà lại có đại gia A mua vài chiếc Mercedes, đại gia B mua MayBach, đại gia C bỏ ra vài triệu đô la cá độ và rất nhiều tiểu gia đốt hàng chục ngàn đô la cho mỗi cuộc vui!
Hiện tại nước ta có bao nhiêu bệnh viện, trường học, trại mồ côi…rất cần được giúp đỡ về mọi mặt…. Ðáng buồn là tôi chưa biết (hoặc chưa hân hạnh được biết) đại gia nào bỏ ra vài triệu, hay vài trăm ngàn đôla để làm từ thiện cả. Nhưng trên thế giới có rất nhiều tỷ phú, triệu phú không khoe của, nhưng lại nổi danh ở những lãnh vực khác rất có ích cho đời.
Bill Gate người giàu nhất hành tinh với tổng tài sản 46,6 tỷ USD tuyên bố: bắt đầu từ năm 2008 sẽ từ bỏ chức vụ chủ tịch tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft và dành toàn bộ thời gian cho hội từ thiện The Bill & Melinda Gates Foundation, mặc dù ông đã đóng góp gần hết gia tài mấy chục tỷ đô la vào tổ chức này.
Nhưng Bill Gates không phải là tỷ phú Mỹ đầu tiên làm việc đó. Cho tới khi ông qua đời vào tháng 8, năm 1919, vua thép Andrew Carnegie, người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ đã dành gần hết tài sản của mình để xây rất nhiều trường học và 3.000 thư viện cho nhiều nước trên thế giới… Ngoài ra còn có rất nhiều người bỏ ra hàng trăm triệu đô la để làm từ thiện như Robert Winship Woodruff hay là Bernard Marcus…
“Trông ngời mà ngẫm đến ta”. Không biết mấy vị đại gia kia nghĩ gì khi ngồi trong những chiếc siêu xe hơi và đi ngang qua những khu phố, trường học, bệnh viện… nghèo nàn, cũ kỹ, quá tải … Những đại gia đó nghĩ gì khi vẫn còn mấy chục triệu nông dân Việt Nam đang một nắng hai sương trên đồng ruộng. Những vị đại gia đó có bao giờ nghĩ rằng chỉ cần mình “nhón tay làm phúc” một tí thôi là cứu được bao nhiêu là mạng người đang bị bệnh mà không có tiền chửa trị, hoặc có thể giúp được bao nhiêu trẻ em lang thang, những em học sinh bán vé số…
Mong sao đừng có đại gia nào chơi ngông hơn nửa để nổi hứng mua thêm vài chiếc Ferrari F50 hay McLaren F1 GTR mắc hơn Maybach 62 gấp đôi, gấp ba lần hoặc có những hành động khoe của tương tự nữa. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều bài viết hay hơn của nhiều người nửa về đề tài này. Mong thay!
Ðắc Minh (Atlanta, USA
Sưu tầm trên Tuổi Trẻ