5 "câu chuyện" về di động của năm 2007
PV News Daily - Năm 2007 kết thúc với rất nhiều điều diễn ra trong Thế giới di động . Thế giới đã thấy những thành công và thất bại, yêu và ghét, hàng tấn công nghệ… Sau đây là 5 câu chuyện di động của năm. Hãy bắt đầu từ con số 5 để đoán xem số 1 là gì !
5. Sự thăng trầm của Wimax
Wimax đã có một năm điên đảo. Nhìn ngược lại một chút, tuyên bố lựa chọn Wimax 4G hồi tháng 8/2006 của Sprint đã khiến cho ngành công nghiệp sôi lên và khởi động cho mọi thứ tăng tốc.
Hè 2007, Sprint tuyên bố hợp tác với Clearwire để triển khai mạng 4G trên toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên sự việc đi xuống kể từ khi các nhà đầu tư của Sprint nổi giận, Sprint mất CEO, thỏa thuận với Clearwire tan vỡ. Sprint nói vẫn sẽ tiếp tục triển khai Wimax, song song với tin đồn là công ty sẽ bán phần dự án này.
Những tay chơi (player) lớn như Ericsson, Intel , Motorola, Nokia và Samsung sẽ đều chịu tổn thất nếu Wimax thất bại.
Tuy nhiên câu chuyện chưa đến hồi kết thúc. Có nhiều hy vọng cho năm 2008, nhất là sau khi Wimax được công nhận vào họ các tiêu chuẩn toàn cầu với tên gọi IMT (cho cả 3G và 4G) và việc đấu thầu băng 700 MHz ở Mỹ với sự tham gia của Google. Wimax đang dẫn điểm trước LTE về thời gian thử nghiệm, cũng như việc công nghệ ra thị trường. LTE chỉ vừa mới được hoàn tất quá trình thử nghiệm đa người dùng đầu tiên tại thành phố Berlin, Đức.
4. “Cạnh tranh mở”
Với thị trường và người tiêu dùng Việt Nam, “cạnh tranh mở” là khái niệm hơi xa lạ, bởi lẽ điện thoại di động có thể kích hoạt vào bất cứ mạng nào cùng loại công nghệ (GSM hoặc CDMA). Các ứng dụng có thể cài đặt tự do, hiện tại chỉ có các dịch vụ gia tăng vẫn bị các các nhà cung cấp như Viettel, MobiFone, VinaFone tìm cách đóng cửa.
Tuy nhiên ở Mỹ, vấn đề “cạnh tranh mở” này đã gây tranh cãi gay gắt trong 6 tháng.
Bản chất khóa chặt điện thoại iPhone của Apple một cách thái quá đã dẫn đến tranh cãi, đồng thời cũng khiến các chính trị gia của Mỹ liên tục nổi giận khi thấy người tiêu dùng bị các nhà khai thác thông tin di động đối xử không bình đẳng.
Nhiều người tin rằng không được quyền hạn chế các thiết bị chỉ được dùng riêng cho một nhà khai thác nào đó. Mọi người cảm thấy rằng họ đáng lẽ phải được quyền cài đặt các ứng dụng và dịch vụ vào điện thoại theo lựa chọn của mình mà không cần phải thông qua nhà khai thác.
Và nhu cầu này đã phần nào được ngành công nghiệp vô tuyến đáp ứng. Sprint thông báo sẽ kích hoạt các điện thoại không phải của Sprint cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng điện thoại riêng của mình.
Năm tới Verizon sẽ cho phép khách hàng sử dụng tất cả các ứng dụng trên mọi loại thiết bị. CEO của AT&T nói rằng AT&T là mạng mở cửa nhất ở Mỹ... Việc mở cửa này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp vô tuyến Mỹ phát triển theo hướng mới. Năm 2008 sẽ là thời điểm từ lời nói đến việc làm của các đại gia telcos.
Việt Nam và các nước châu Á đã đi trước Mỹ một bước trong “cạnh tranh mở”, bước tiếp theo sẽ là gì và trở thành câu chuyện của năm nào?
3. Verizon chuyển sang LTE
Verizon vừa chọn LTE làm nền tảng cho công nghệ 4G.
LTE đi lên từ WCDMA – HSPA. Dựa trên công nghệ WCDMA hiện có hai loại hệ thống là FOMA (do NTT DoCoMo triển khai ở Nhật) và UMTS (được triển khai đầu tiên ở Châu Âu, sau đó phát triển ra toàn thế giới).
UMTS là sự phát triển lên 3G của họ công nghệ GSM (GSM, GPRS & EDGE), là công nghệ duy nhất được các nước châu Âu công nhận cho mạng 3G)
Hiện nay, Verizon đang khai thác mạng trên công nghệ CDMA của Qualcomm không tương thích với nhiều mạng khác, đặc biệt ở châu Âu.
Có lẽ vì hợp tác với Vondafone của Anh nên Verizon đã quyết định chuyển hoàn toàn sang hướng chọn tiêu chuẩn với lợi thế về quy mô thị trường: LTE. Điều này có nghĩa là những năm sắp tới, Verizon sẽ phải chuyển toàn bộ mạng lưới sang công nghệ mới, kể cả các máy cầm tay và buộc tất cả khách hàng của mình chấp nhận điện thoại LTE.
Việc này sẽ tốn thời gian và nguồn lực, tuy nhiên khi làm được, khách hàng của Verizon sẽ có thể chuyển vùng (roaming) quốc tế dễ dàng và sở hữu điện thoại tương thích với các mạng nước ngoài. Đây là sự thay đổi chính trong chiến lược của nhà khai thác di động lớn thứ hai của Mỹ.
2. Android
Đầu tháng 11, Google đã tung một quả bom vào thế giới di động. Công ty tuyên bố rằng không chỉ dừng ở việc cung cấp các ứng dụng di động miễn phí cho mọi người, Google đang chế tạo nền tảng di động riêng của mình dựa trên Linux, có các ứng dụng tích hợp và dịch vụ tốt hơn.
Việc tạo ra các hệ thống khai thác di động không hề dễ dàng. Google và Liên minh thiết bị mở (Open Handset Alliance partners) hy vọng xây dựng được một paradigm (cấu trúc) hoàn toàn mới mẻ trên thương trường di động.
Ngành công nghiệp này có thể đưa công nghệ mới ra thị trường nhanh hơn nhờ nền tảng di động giá rẻ và dễ phát triển. Tất cả các nhà phát triển phần mềm, nhà sản xuất máy cầm tay, và nhà khai thác mạng lưới đều tỏ ý muốn bắt tay với Google để làm điều này.
Google sẽ bước vào thị trường cạnh tranh khốc liệt bởi các nền tảng di động khác đã phát triển rộng, đã dẫn đầu và lớn mạnh với hàng trăm triệu khách hàng. Google đang muốn leo cao, và nếu leo được lên đến đích, công ty sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến tương lại của di động
1. iPhone
Nếu nhìn theo khía cạnh quy mô thị trường thi iPhone không quan trọng bằng 4 sự kiện nêu trên. iPhone chỉ là một loại điện thoại, có thể sử dụng duy nhất trong một mạng của một nhà khai thác Mỹ. Tuy nhiên ảnh hưởng của iPhone lại rất rộng rãi và đã gây nên những chuyển đối rõ nét trong cả ngành công nghiệp.
Lần đầu tiên cả thế giới xôn xao về loại điện thoại mới với tính năng sử dụng dễ dàng, giao diện đẹp với màn hình cảm ứng. Những dòng người xếp hàng từ mờ sáng để được sở hữu những chiếc iPhone đầu tiên, giá cả dường như bị đẩy hẳn xuống hàng thứ yếu. Tin tức về iPhone chiếm lĩnh các bài báo nổi bật trong giới di động.
Cảm nhận về sự toàn mỹ, trải nghiệm lý thú mang lại từ một thiết bị vốn chỉ dùng để gọi và SMS đã khiến cho người tiêu dùng say mê và buộc các nhà sản xuất đại gia như Nokia, HTC, LG, SamSung phải tung ra các dòng sản phẩm màn hình cảm ứng nhằm giành lại tình cảm của người tiêu dùng.
Cũng như vậy, lần đầu tiên các nhà quản lý mạng di động (cụ thể là AT&T) đã buộc phải chấp nhận cuộc chơi do người sản xuất handset đặt ra, đó là mở mạng của họ cho các ứng dụng của iPhone chạy, cũng như chia sẻ doanh thu đến từ các cuộc gọi cho nhà sản xuất iPhone là Apple
...........Đó là 5 câu chuyện di động của Năm 2007.
(VietNamNet)