10 thiết kế đáng nhớ trong lịch sử laptop (2)
Khác với 5 model đầu đều đã trở thành những vật "muôn năm cũ", 5 model được giới thiệu tiếp theo vẫn hiện hữu trên thị trường như là những thế lực chưa thể vượt qua trong ngày một ngày hai.
Tuy thời gian xuất hiện trên thị trường chưa lâu, do cả 5 mẫu máy đều mới chỉ ra đời trong năm 2007 hoặc 2008, nhưng tầm ảnh hưởng to lớn mà chúng tạo ra đối với thị trường laptop hiện tại và tương lai là điều không thể chối cãi. Trong khi Dell XPS M2010, Asus W5Fe, Panasonic ToughBook CF-W5 và Apple MacBook Air đã tạo ra những bước đột phá về mặt công nghệ, thì Asus Eee PC lại phá vỡ tất cả giới hạn trước đó về giá cả đối với một chiếc máy tính xách tay.
6. Laptop thay thế máy tính để bàn đúng nghĩa
Dell XPS M2010 là mẫu laptop đầu tiên trên thế giới được trang bị màn hình 20 inch. Ảnh:
Notebookreview.
Dell XPS M2010 chính là chiếc laptop thay thế máy tính để bàn đích thực đầu tiên, với màn hình rộng tới 20 inch, vỏ ngoài bọc da và gắn sẵn quai xách, trông không khác gì một chiếc vali. Khả năng di động của chiếc laptop này vì thế mà bị hạn chế đáng kể, nhưng được bù đắp lại bởi thiết kế sang trọng của "nội thất" và những tính năng thuộc dạng "hàng khủng".
Màn hình của máy có khả năng điều chỉnh dễ dàng, đảm bảo luôn mang lại góc nhìn tối ưu nhất, trong khi bàn phím không dây có thể tháo rời cũng mang đến sự tiện dụng tối đa cho người dùng. Ngoài ra, XPS M2010 cũng sở hữu một điều khiển từ xa được tích hợp cảm biến, có khả năng nhận biết các cử động của tay người dùng.
Đáng tiếc là chiếc laptop này lại không được tích hợp bộ dò kênh TV, đồng thời giá bán cũng khá cao. Tuy nhiên, chính sự xuất hiện của XPS M2010 đã thôi thúc HP, đối thủ lớn nhất của Dell, phải tung ra chiếc laptop "rồng" HDX Dragon ngay sau đó để cạnh tranh.
7. Laptop đầu tiên có hai màn hình
Có thể nghe nhạc bằng màn hình ngoài của Asus W5Fe. Ảnh:
Indiaprwire.
Khi Windows Vista ra mắt, một trong những tính năng ưu việt nhất của hệ điều hành này là SideShow, cho phép hiển thị thông tin thiết yếu ra một màn hình ngoài, giống như ở những chiếc PDA phone. Gần như ngay lập tức, Asus đã tích hợp tính năng này vào trong dòng laptop mang tên W5Fe của mình.
Màn hình ngoài của Asus W5Fe dành để hiển thị đồng bộ thông tin quan trọng, phục vụ cho việc tra cứu nhanh mà không cần mở máy, như lịch, e-mail hay các thông tin liên quan đến công việc. Tính năng này không chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian, mà còn góp phần kéo dài tuổi thọ pin cho máy. Ngoài ra, người dùng cũng có thể chơi nhạc hoặc xem ảnh bằng màn hình ngoài.
Để được sở hữu một chiếc laptop hai màn hình như Asus W5Fe, số tiền phải bỏ ra là khá lớn, có thể vượt quá khả năng chi trả của số đông người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu xét đến tầm ảnh hưởng về mặt công nghệ đối với thị trường, chiếc laptop này vẫn được đánh giá cao, bởi sau Asus, có một số hãng cũng đã tung ra sản phẩm tích hợp tính năng SideShow, như LG (với các model Z1 và R200-Q) hay BenQ (với chiếc JoyBook Q41).
8. Laptop nhẹ có khả năng chịu lực lớn
Panasonic ToughBook CF-W7 có trọng lượng nhẹ và ngoại hình bắt mắt. Ảnh:
Cnet.
Sau khi ra đời, Panasonic ToughBook CF-W7 đã đưa ra một định nghĩa mới về những chiếc laptop "nồi đồng cối đá" (tức là có khả năng chịu lực và các điều kiện làm việc khắc nghiệt). Thay vì dáng vẻ thô kệch, nặng nề, với vỏ ngoài bọc cao su như những model trước đây, Panasonic ToughBook CF-W7 sở hữu một thân hình thanh thoát, nhẹ nhàng, với trọng lượng chỉ 1,2 kg.
Mặc dù vậy, chiếc laptop 12,1 inch này vẫn được Panasonic tích hợp ổ đĩa quang, đồng thời có khả năng chịu được lực nén của một vật nặng tới 100 kg. Máy cũng có thể "sống sót" sau khi bị thả rơi từ độ cao 70 cm, trong khi bàn phím chống tràn có khả năng ngăn không cho chất lỏng gây hại đến các linh kiện quan trọng bên trong máy. Thời lượng sử dụng pin tối đa của ToughBook CF-W7 cũng lên tới 7 giờ liên tục.
9. Laptop đầu tiên nhận tín hiệu từ cả hai ngón tay
Để có được thân hình siêu mỏng, Apple MacBook Air đã phải hy sinh tính năng và tốc độ hoạt động. Ảnh:
Engadget.
Cách xuất hiện của MacBook Air tại Hội chợ MacWorld Expo 2008 đã khiến cho toàn ngành công nghiệp máy tính thế giới phải xôn xao, khi được Steve Jobs rút ra từ một chiếc bì thư. Để có được thân hình siêu mỏng đó, MacBook Air đã phải chịu những điều tiếng không hay về tính năng và tốc độ hoạt động nghèo nàn.
10. Laptop phá vỡ các giới hạn về giá
Asus Eee PC hấp dẫn cả về ngoại hình. Ảnh:
Reghardware.
Trước khi Asus Eee PC ra đời, có một quy luật tưởng như bất biến trên thị trường laptop là, mẫu máy nào có kích thước càng nhỏ thì càng đắt tiền. Tuy nhiên, Eee PC đã chứng minh điều ngược lại.
So với giá bán xấp xỉ 2.000 USD của những dòng laptop dưới 12,1" như Sony Vaio TZ hay Fujitsu LifeBook P series, mức giá chưa đến 400 USD của Asus Eee PC chỉ bằng một phần nhỏ, nhưng khả năng hoạt động của máy cũng không đến nỗi nào, với bộ vi xử lý Intel Celeron M 900 MHz, ổ lưu trữ thể rắn (SSD) có dung lượng 4 GB và hệ điều hành Linux. Máy có thể chạy tốt các tác vụ thông thường như xem video, chơi nhạc, lướt web và các ứng dụng văn phòng.
Trong tháng 4, Asus sẽ tung ra thị trường thế hệ kế tiếp của Eee PC, với màn hình 8,9 inch và nhiều công nghệ tiên tiến hơn so với model cũ.
(theo Sohoa)