Điện thoại di động sẽ linh hoạt hơn
Cứ cài phần mềm hay dịch vụ nào mà bạn thích, có thêm cả máy ảnh, game di động và nhiều thứ khác với khả năng truy cập không dây.
Nếu không thích chương trình e-mail nào đó trên PC, bạn có thể đổi chương trình khác theo ý mình hay khi cần thêm tính năng mới cho Firefox, bạn chỉ việc cài tiện ích mở rộng. Phần lớn điện thoại di động (ĐTDĐ) lại không có khả năng linh hoạt như vậy vì các nhà sản xuất “cấm đoán”.
May mắn là tình trạng này sắp thay đổi. Trong năm tới, ĐTDĐ sẽ “mở” hơn, cho phép người dùng tùy biến giao diện, chạy mọi chương trình và quan trọng nhất là khả năng truy cập Internet để tìm đường, gọi điện thoại qua Wi-Fi và chụp ảnh.
Thậm chí, các chuyên gia còn cho biết những thiết bị khác như máy ảnh, máy quay... cũng có thể truy cập mạng dữ liệu di động dù bạn chẳng bao giờ dùng chúng để gọi điện.
Google tiên phong
Khởi động cho xu hướng này là Google với tiềm lực hàng tỉ USD. Không có gì ngạc nhiên khi động thái chính của “gã khổng lồ” này hiện nay là quảng cáo tới nhiều người dùng hơn. Trong thế giới di động “đóng”, nhà cung cấp dịch vụ có thể kiểm soát những gì thuê bao thấy được. Mở hệ thống mạng di động cũng có nghĩa là Google và các công ty khác có thể tham gia và bắt đầu cạnh tranh.
Giữa năm ngoái, Google và các nhà cung cấp dịch vụ Internet tên tuổi khác đã thuyết phục ủy ban Truyền Thông Liên Bang Mỹ (FCC) yêu cầu công ty nào đã có được giấy phép cung cấp mạng không dây di động tại Mỹ trong cuộc đấu giá hồi tháng 1 bắt buộc phải “mở” để người tiêu dùng có thể chạy bất kỳ thiết bị hay ứng dụng hợp pháp nào trên mạng không dây của công ty đó. Hơn nữa, cuối năm ngoái, Google cùng với 36 đối tác cho biết kế hoạch xây dựng nền ĐTDĐ nguồn mở tên là Android.
Hẳn Android là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi nói về xu thế ĐTDĐ mở. Vì Android dựa trên nguồn mở và các thành viên của Open Handset Alliance đã thỏa thuận cho phép truy cập sâu vào hệ điều hành này nên những thiết bị cùng nền Android có thể hoàn toàn khác nhau.
Những thiết bị như vậy sẽ có chung ứng dụng Android cơ bản và giao diện chuẩn. Tuy vậy, nhà phát triển Android có thể mang lại cho bạn nhiều cách tiếp cận độc đáo để truy cập trình đơn hay các tùy chọn, thậm chí lựa chọn hay cài đặt những giao diện đồ họa rất khác biệt.
Cách này tiếp cận sâu hơn chứ không dừng lại ở mức độ “lớp bề mặt” (thường chỉ phủ một lớp giao diện mới lên phần mềm). Bạn sẽ có cảm giác như có thể khởi động Windows Vista và thay Aero bằng giao diện iPhone mà vẫn truy cập những chương trình và dữ liệu cũ.
Nền Android cũng giúp nhà phát triển ứng dụng truy cập dễ dàng tất cả phần cứng trong điện thoại bao gồm chip định vị (GPS), Bluetooth, Wi-Fi, radio, máy ảnh và những thành phần ít thông dụng khác.
Bước ra thế giới
Một ưu điểm nữa của nền di động mở này là nó cho phép tương tác dễ dàng hơn với các dịch vụ từ xa có chứa hoặc cung cấp thông tin. Hãy cân nhắc giữa một chiếc điện thoại có hỗ trợ GPS, máy ảnh và pin ổn định hay một chiếc điện thoại chỉ có kết nối Wi-Fi. Ví dụ, Flickr có thể đưa ra một chương trình đơn giản để đính ảnh vừa chụp vào tọa độ địa lý tương ứng có trong siêu dữ liệu (metadata) của ảnh và tự động tải ảnh lên mạng ngay khi chụp xong. Hiện có một số máy ảnh và công cụ có tính năng này nhưng chưa có chiếc ĐTDĐ nào có đủ những “tinh hoa” kiểu vậy.
Tuy nhiên, loại ứng dụng này sẽ không xuất hiện đầu tiên. Làn sóng thứ nhất của loại phần mềm mới sẽ là loại “kết dính” các thành phần cơ bản như sổ liên lạc, lịch, ghi chú, việc cần làm, báo thức, chuông và dữ liệu nghe nhìn khác. Chẳng hạn như bộ phát triển phần mềm SDK Android có các định dạng chuẩn cho chức năng sổ liên lạc, lịch và nghe nhìn. Điều này khác hoàn toàn với các ĐTDĐ hiện nay khi dữ liệu được lưu trong một CSDL không tương thích hoặc lưu theo định dạng dành riêng, tách biệt.
Nếu không thích những chương trình sẵn có trong điện thoại Android, bạn có thể cài đặt chương trình khác mà không cần đến bất kỳ thao tác chuyển đổi dữ liệu nào.
Bộ SDK của iPhone cũng cho phép bạn làm như vậy nhưng bạn nên biết là iPhone chạy một phiên bản HĐH OS X nền Unix rất giống phiên bản cho máy tính để bàn, cho phép nhà phát triển thao tác trên cùng loại thông tin, cơ sở dữ liệu và lưu trữ.
Theo quan sát của Forrester Research, hiện chưa có điện thoại nào thực hiện liền mạch được những tác vụ liên quan với nhau. Ví dụ, bạn đang nghe hộp thư thoại và muốn chạy ứng dụng ghi chú trên điện thoại để lưu lại thành một dòng công việc, quá đơn giản như khi bạn đang ngồi ở bàn làm việc.
Dịch vụ mới
Các dịch vụ tính phí mới sẽ xuất hiện. Hầu hết trường hợp hiện nay, chỉ có nhà cung cấp dịch vụ hay đối tác của họ mới có thể đưa ra dịch vụ tính phí như chỉ đường. Nền mở cho phép bất cứ công ty nào cũng có thể cung cấp dịch vụ, khiến giá cả “mềm” hơn.
Những dịch vụ liên quan đến địa điểm (gồm trợ giúp định vị) hầu như hoàn toàn do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra. Mọi ĐTDĐ (ở Mỹ) phải đồng bộ với tổng đài 911 theo quy định E911 (Enhance 911) nhưng mỗi nhà cung cấp lại có cách tiếp cận khác nhau. Verizon tích hợp chip GPS cho nhiều ĐTDĐ của hãng nhưng chỉ thuê bao dịch vụ VZ Navigator mới có thể truy cập dữ liệu đó được.
Với điện thoại Android hay điện thoại mở có chip GPS, khả năng bản đồ định vị dựa trên trạm phát sóng hay Wi-Fi, bạn có thể chọn một trong vài dịch vụ cho phép tùy biến thông tin. Thế là Google, Yahoo, những trang web bản đồ và trang web tìm kiếm khác sẽ cạnh tranh nhau.
Tích hợp máy ảnh hoàn chỉnh lên ĐTDĐ cũng là điều khả thi. Các nhà cung cấp thường chỉ gắn máy ảnh có độ phân giải khá thấp và còn giảm chất lượng ảnh xuống nếu gửi qua mạng dữ liệu. Để được tấm ảnh có độ phân giải đầy đủ, bạn phải kết nối máy ảnh vào PC qua ngõ USB hay lấy thẻ nhớ ra.
Với nền di động mở, nhà sản xuất ĐTDĐ sẽ có cơ sở để gắn những chiếc máy ảnh tốt hơn và cho phép người dùng chọn cách truyền ảnh. Sẽ thật khôi hài nếu một chiếc điện thoại có Wi-Fi lại phải dùng kết nối USB để chuyển ảnh vào máy tính có nối mạng.
Cuối cùng, nền di động mở giúp người dùng truy cập các ứng dụng VoIP như Skype hay Gizmo Program hoạt động ở chế độ thực qua mạng không dây hay mạng di động mà không bị hay ít bị hạn chế. Người thường xuyên gọi điện không còn phải trả tiền tính theo phút đắt đỏ như trước nay nữa.
Nhiều ĐTDĐ trang bị Wi-Fi (bao gồm nhiều mẫu điện thoại Nokia) hiện có thể thực hiện cuộc gọi VoIP qua Wi-Fi. Tuy nhiên, một số ít trong số này vẫn chưa thể sử dụng mạng di động để gọi VoIP.
Phần cứng mới
Những tùy chọn phần mềm mới nghe qua có vẻ rất tuyệt nhưng còn phần cứng thì sao? Nhiều người bàn tán chuẩn mở này hứa hẹn bất kỳ thiết bị nào cũng có thể truy cập mạng. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không còn bị ràng buộc với nhà cung cấp dịch vụ di động nữa; bạn có thể sử dụng bất kỳ điện thoại nào miễn là nó không tổn hại đến hệ thống mạng.
Tóm lại, tại thị trường Mỹ sẽ xuất hiện nhiều ĐTDĐ ngoại nhập. Chẳng hạn, điện thoại thông minh nền Symbian của Nokia làm chủ thị trường thế giới nhưng lại chỉ được cài đặt trên rất ít ĐTDĐ tại Mỹ.
Không chỉ có ĐTDĐ mà còn máy chơi game, máy ảnh, máy nghe nhạc và những thiết bị điện tử tiêu dùng khác cũng sẽ được trang bị chip di động và tính năng truy cập di động ngay cả khi chúng không dùng để gọi điện thoại.
Amazon Kindle (thiết bị đọc sách điện tử) là ví dụ điển hình cho loại thiết bị như vậy. Quyển sách điện tử này gồm một modem di động chạy với mạng Sprint và các gói dịch vụ được tính luôn trong giá trị của máy.
Cho đến nay, các nhà sản xuất thiết bị vẫn chưa tính đến chuyện tích hợp chip di động vì nếu làm vậy, họ sẽ phải thực hiện những giao dịch phức tạp với nhà cung cấp dịch vụ và có lẽ còn phải chia lợi nhuận nữa. Nhưng trong một thế giới truy cập tự do, Microsoft có thể hỗ trợ tính năng truy cập di động vào Zune và trả phí trước cho nhà cung cấp mạng chứ không phải hoàn toàn bắt tay với họ.
Sắp đến có WiMax và dải tần 700MHz cho băng thông lớn hơn, ta hoàn toàn có thể ghép radio di động vào máy quay phim hay máy ảnh số. Thay vì bạn phải chuyển ảnh và phim sau khi ghi hình xong thì thiết bị có thể tự động chuyển ngay sau khi vừa bấm máy. Điều này cũng giúp bạn không phải lo lắng dung lượng thẻ nhớ bị “cạn” và bạn cũng có thể truyền hình trực tiếp bất cứ khi nào.
Dĩ nhiên là nếu có 5 hay 10 thiết bị dùng chip di động thì bạn sẽ không muốn phải trả cước thuê bao từ 40 đến 80 USD/tháng cho mỗi thiết bị. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải đưa ra cách tính phí linh hoạt hơn.
Chuyển qua thế giới ĐTDĐ mở sẽ mất khoảng thời gian nhất định – có thể là cuối năm 2008 mà thậm chí là năm 2010 mới tận dụng được hết lợi điểm của nó. Dù thế nào đi nữa, thiết bị trong túi của bạn lúc đó hẳn sẽ không giống với chiếc điện thoại nắp gấp thông thường hiện nay. Và lúc đó, nếu chiếc ĐTDĐ đó không làm đúng ý bạn, bạn có thể thay cái khác.
(Theo Báo bưu điện việt nam)