NgocVNPT
New Member
Bản quyền - khái niệm đã chết!
Với việc kinh doanh nội dung trên Internet, các chủ sở hữu nội dung đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bản quyền vốn vẫn được coi là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi nhuận cho mô hình kinh doanh các sản phẩm có khả năng sao chép. Nhưng trong thế giới Internet, mọi chuyện giờ đây đang thay đổi.
Một khái niệm lỗi thời?
Tại hội nghị về chính sách phân phối video trên Internet, tổ chức tại Washington (Mỹ) ngày 20/3 vừa qua, GS. Faulhaber, Đại học Pennsylvania đã mạnh mẽ tuyên bố mạnh mẽ: bản quyền là một khái niệm đã chết.
“Cho đến giờ thì bản quyền vẫn là vấn đề lớn trong lĩnh vực pháp lý. Nhưng trong lĩnh vực kinh doanh, nếu bạn vẫn còn nói với người tiêu dùng về việc bảo vệ bản quyền thì thật là lỗi thời. Nếu như bạn có mô hình kinh doanh dựa trên bản quyền, hãy quên luôn nó đi”, ông phát biểu
Tại hội nghị này, nhiều nhà kinh tế đã cũng thống nhất quan điểm cho rằng, với việc kinh doanh nội dung trên Internet, các chủ sở hữu nội dung đang phải đối mặt với những thách thức họ chưa từng biết đến.
Theo GS. Faulhalber, “thế giới sao chép mở” (world of open piracy), được tạo ra với công nghệ số, sẽ phá hỏng việc tìm kiếm tìm kiếm động lực mà sự độc quyền trao cho những chủ sở hữu nội dung nhờ luật bản quyền.
“Ngành công nghiệp ghi âm hiện nay đã hiểu ra điều này. Mô hình iTunes* hiện nay có lẽ là cách tốt nhất họ có thể làm”, ông nói.
Các hãng phim sẽ gặp phải những khó khăn thậm chí còn hơn những công ty âm nhạc vì theo GS. Faulhalber, một vài phương thức kiếm tiền có thể áp dụng hiệu quả với âm nhạc như quảng cáo lại không thể áp dụng với những bộ phim dài.
Lập luận của GS. Faulhaber đang có cơ sở từ thực tế, khi mà trước đó không lâu, chính ông chủ hãng âm nhạc khổng lồ Warner Music đã phải đứng ra xin lỗi người tiêu dùng khi sử dụng bản quyền như một công cụ kiện cáo, từ chối đáp ứng nhu cầu thực tế của người nghe nhạc số.
Từ mã nguồn mở…
Trong khi những lời than phiền về vị thế độc quyền của hãng phần mềm Microsoft vẫn ngày càng nhiều, ít ai ngờ rằng Linux, hệ điều hành mã nguồn mở, lại đang thay đổi bộ mặt, hoặc ít nhất thay đổi quan niệm của giới làm phần mềm đến vậy.
Theo TheCounter.com - dịch vụ phân tích website của Công ty Jupitermedia - hiện khoảng 1/2 số máy chủ trên thế giới và 18% các trình duyệt đang sử dụng phần mềm mã mở.
Các hãng cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu như Google, Yahoo phát triển toàn bộ hạ tầng của họ dựa trên các nền tảng mã nguồn mở như LAMP (Linux, Apache, PHP, MySQL), Haadoop.
90% các công ty Internet mới thành lập sử dụng LAMP vì các nền tảng này vượt trội các phần mềm bản quyền trên phương diện chi phí, linh hoạt và tự do đổi mới sáng tạo. 80% trong số các website hàng đầu đang chạy trên các nền tảng mã nguồn mở.
Kho tri thức lớn nhất thế giới Wikipedia (với 10 triệu bài viết) hoạt động hoàn toàn trên nền tảng mã nguồn mở với phần mềm mediawiki trên nền tảng LAMP.
Bởi vậy, có thể nói nếu không có mã nguồn mở, Internet sẽ mãi mãi là một đứa trẻ chưa lớn. Trong một thế giới toàn phần mềm bản quyền, Internet sẽ chết.
Bởi vì phần mềm mã nguồn mở là miễn phí, một lập trình viên tài năng có thể ngồi xuống và bắt đầu phát triển ngay một website của mình chỉ với 2.000 USD, thay vì việc phải chạy hàng năm trời để kiếm một nhà đầu tư hào phóng chi cho anh ta vài trăm ngàn USD để mua phần mềm bản quyền.
Sergey Brin và Larry Page bắt đầu sự nghiệp của mình với mã nguồn mở và chỗ làm việc là một gara ô tô - họ đã tạo dựng lên Google - nhà cung cấp dịch vụ số 1 Internet, công ty duy nhất khiến đại đế chế phần mềm bản quyền Micrsoft cũng phải run sợ.
Google và mã nguồn mở là tương lai, Micsoft và phần mềm bản quyền là quá khứ - lịch sử đã lặp lại, Google đang đe dọa Microsoft như ngày nào chính Microsoft đã từng đe dọa IBM.
Mã nguồn mở không chỉ là miễn phí, nó còn là tự do: tự do sáng tạo, tự do chia sẻ tri thức, tự do đóng góp, tự do quyết định hướng đi của mình.
Một người làm Internet, thay vì việc phải lo lắng xem nền tảng công nghệ của họ sẽ bị nhà độc quyền lớn nhất lái đi theo hướng nào, sẽ cùng cộng đồng mã nguồn mở quyết định hướng đi công nghệ của họ.
Họ cũng không còn phải lo ngại việc phải đối diện với các vụ kiện cáo bản quyền khi sử dụng mã nguồn của người khác.
Hòa mình vào thế giới mã nguồn mở, bạn có thể đứng trên vai người khổng lồ, sử dụng 99% mã nguồn của người khác, bổ sung thêm 1% sáng tạo của mình để tạo ra giá trị gấp 100 lần so với việc phải tự làm tất cả.
Người được lợi cuối cùng chính là người dùng Internet. 100% số website trong Top 20 website trên thế giới đang cung cấp miễn phí dịch vụ của họ cho người sử dụng.
... đến nội dung mở
Dẫu sao, mà nguồn mở mặt nào đó vẫn được coi là sáng tạo riêng biệt của giới công nghệ. Ít ai ngờ nó cũng đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực phân phối nội dung
Phong trào sử dụng nguồn tư liệu giáo dục mở bắt đầu từ cuối những năm 1990, có một phần do tác động của phong trào “phần mềm mã mở”.
Năm 2001, Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) đã trở thành người tiên phong cung cấp tài liệu miễn phí về các khoá học trên Internet. Dự án chương trình học liệu mở (OpenCourseWare) của trường hiện cung cấp các bài giảng, bài thi và nhiều tài liệu khác được lấy từ trên 1.800 khoá học trong chương trình giảng dạy của trường.
Hiện đã có khoảng 40 triệu người từ hầu hết các nước đã truy cập tài liệu của trường, trung bình mỗi tháng có khoảng 1 triệu người truy cập. Gần 49% lượng người truy cập là đối tượng tự học, trên 35% sinh viên và 16% các nhà giáo dục.
Cũng không nhiều người trong số 100 triệu người truy cập hàng tháng vào Wikipedia biết rằng kho tri thức vĩ đại này được xây dựng trên nguyên tắc nội dung mở - cho phép người sử dụng tự do sao chép, sửa đổi, trích dẫn, đóng góp vào nội dung với mục đích thương mại hoặc phi thương mại.
Đi ngược lại với nguyên tắc bản quyền nội dung truyền thống với việc mỗi khi bạn muốn bổ sung, sao chép, trích dẫn đều phải xin phép và được sự đồng ý của tác giả, nội dung mở đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn chuyên gia cùng đóng góp, hàng triệu người cùng xem xét và sửa đổi kho tri thức này.
Cho tới nay, Wikipedia với nguyên tắc nội dung mở đã làm được điều mà đế chế tri thức Britanica không làm được, đế chế tài chính Micrsoft không làm được: 10 triệu bài viết, được bổ sung, cập nhật, chỉnh sửa, đi sâu vào các lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa, công nghệ...
Hãy thử tìm cụm từ “The long tails” – một khái niệm kinh điển cho người làm Internet, bạn không thể tìm thấy nó trong bách khoa toàn thư Encatar của Microsoft, nhưng trong Wikipedia, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, cũng như các đường link tham khảo cho khái niệm này.
Điều mà bản quyền, chuyên gia, và tiền bạc của Microsoft không thể làm được, thì Wikipedia cùng với cộng đồng và triết lý nội dung mở đã làm được.
Trên Internet, nội dung mở là động lực, bản quyền là rào cản. Thứ đã từng là động lực phát triển của xã hội, nay trở thành trở lực ngăn trở tiến bộ. Một điều thú vị là triết lý nội dung mở tương đồng một cách kỳ lại với triết lý về một xã hội mơ ước: “Đóng góp nội dung theo năng lực, tiêu dùng nội dung theo nhu cầu”.
(Theo VnEconomy)