NgocVNPT
New Member
Sao Khuê 2008 không có hạng 5 sao
Việc xướng danh 8 đối tác có đóng góp lớn cho sự phát triển ngành phần mềm Việt Nam gồm: IBM, Oracle, Microsoft, Motorola, HitachiSoft, Canon IT Solutions, Harvey Nash và Agillis, đã mở đầu cho lễ trao giải Sao Khuê lần thứ 5 diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội sáng nay (27/4).
Ngay sau đó, cá nhân duy nhất được vinh danh vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) VN là Giáo sư, tiến sĩ Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ và từng giữ cương vị Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình quốc gia về CNTT. Ông là một trong những người có công đầu đưa Internet có mặt và phát triển tại VN.
"Tôi vui và tự hào. Tôi rất tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành phần mềm trong nước vì tôi biết có những dự án, những sáng tạo cũng như nhiều ý tưởng đang được ấp ủ và âm thầm phát triển, chờ cơ hội chín muồi", nhân vật xuất sắc của Sao Khuê 2008 chia sẻ bên lề lễ trao giải. "Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ quyết liệt của Nhà nước trong việc đưa ra những chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm. Chính phủ sẽ phải là người đi tìm đối tác cho doanh nghiệp. Việc này cần phải làm mạnh hơn, tốt hơn".
Tập thể được vinh danh trong lĩnh vực hoạch định và thi hành chính sách với ông Chu Hảo là Sở Khoa học và công nghệ Đồng Nai.
Sao Khuê 2008 đã nhận được 94 đề cử trong toàn quốc trong đó có tới 46 doanh nghiệp phần mềm, số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Sau các vòng sơ tuyển, thẩm định thực tế và chung tuyển, Hội đồng chấm giải đã chọn được 47 đề cử nhận giải. Nhóm các doanh nghiệp phần mềm tiêu biểu của năm nay có 8 đơn vị gồm: Tân thế kỷ, FCG Việt Nam, FPTSoftwere, Pythis, AsiaSoft, Digi-Texx, VinaGame và GHP Far East.
Ngoài ra, giải Sao Khuê lần thứ 5 còn vinh danh 17 sản phẩm phần mềm thương mại, 7 phần mềm mới, dành 3 giải thưởng cho website thương mại điện tử và 4 dịch vụ phần mềm tiêu biểu được xướng danh.
Từng được ghi nhận là có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong năm ngoái, Công ty FAST năm nay được đánh giá cao về dịch vụ tư vấn cài đặt, đào tạo và hỗ trợ ứng dụng phần mềm. Ông Lê Khắc Bình, Giám đốc điều hành FAST, cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là 50.000 khách hàng. Để đạt được điều đó thì chất lượng sản phẩm chưa đủ mà phải có cả sự hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Làm sao để đáp ứng đúng, đủ và kịp thời nhu cầu của họ thì mới có thể đạt được thành công trong kinh doanh phần mềm. Đây cũng là lý do chúng tôi tham gia Sao Khuê và sự tôn vinh lần này sẽ giúp chúng tôi định hướng tốt hơn những gì mình đang đeo đuổi".
Năm nay, không có phần mềm nào được gắn 5 sao - sự tôn vinh cao nhất của giải Sao Khuê. Theo ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Vinasa, đây là điều cảnh tỉnh với các doanh nghiệp khi mải mê theo đuổi doanh số mà không chú ý tới nghiên cứu, nâng cao sáng tạo để có sản phẩm vượt trội.
Chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình cũng cho biết: "Nguyên nhân sâu xa của việc không có sản phẩm tốt xứng đáng 5 sao là chất lượng đào tạo kỹ sư phần mềm của VN còn quá thấp".
Bình luận về sự "rỗng hạng nhất" này, Giám đốc kinh doanh của Công ty Tinh Vân, ông Phan Quang Minh cho rằng điều này đã phản ánh thực chất về chất lượng các phần mềm của VN, chưa đủ tầm vượt ra ngoài với thế giới. "Nếu so sánh với nước ngoài thì đúng là chúng ta chưa có cái xứng tầm mà mới chỉ phát triển sản phẩm theo những đòi hỏi đặc thù trong nước", ông Minh nói. "Nhưng cũng phải nói thêm rằng thị trường sẽ quyết định những vấn đề cũng như định hướng của doanh nghiệp. Bản thân Tinh Vân làm ra sản phẩm không phải để đoạt giải mà đánh giá cao nhất là sự hài lòng của khách hàng".
Một số đại diện doanh nghiệp khác thì cho rằng sự đột phá trong ngành phần mềm không hẳn là cứ phải có cái mới. Vấn đề là làm sao ra được sản phẩm hoàn thiện, ứng dụng tốt, ít lỗi, đảm bảo tốt các nhu cầu thiết thực của khách hàng thì chính là đột phá rồi.
Bày tỏ tại lễ trao giải, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định sự nỗ lực của ngành phần mềm nói riêng và doanh nghiệp nói chung đã có những hiệu quả lớn. Năm 2007, ngành này đã cán đích với doanh thu 500 triệu USD, gấp hơn 4 lần năm 2003 (khi đó là 120 triệu USD). Việc phải làm ngay của ngành phần mềm là đào tạo nhân lực.
"Vấn đề đặt ra là đến năm 2010, chúng ta sẽ có doanh thu bao nhiêu? Lúc nào thì chúng ta đạt con số 1 tỷ USD doanh thu? Hãy lập tức bắt tay ngay vào đào tạo nhân lực CNTT theo nhu cầu và đào tạo có địa chỉ. Biến dân số của VN từ bất lợi thành lợi thế. Mục tiêu đặt ra là từ năm 2015 đến 2020 VN phải có 1 triệu người làm CNTT", Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
(Theo VnExpress)