Tìm vàng trong... "rác điện thoại di động"
Bạn đang định vứt bỏ chiếc điện thoại cũ của mình ư? Hãy nghĩ lại. Bạn có thể tìm thấy vàng, bạc, đồng và khá nhiều kim loại có giá trị khác bên trong thân máy đấy.
Nghề mới phát đạt
Thậm chí "khai quặng điện thoại" đã trở thành một ngành nghề mới tại Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, những thị trường mà giá vàng, đồng đang tăng đến mức kỳ lục.
Ngày qua ngày, các nhân công sục sạo trong hàng núi sản phẩm điện tử cũ, nhằm chiết xuất ra vàng, iridum cùng nhiều kim loại khác.
Nguồn kim loại khai thác được sẽ được tái sử dụng để sản xuất ra các linh kiện điện tử, các bo mạch mới toanh.
Kim loại quý như vàng, bạc sẽ được đun nóng chảy, đúc thành thỏi và bán cho các cửa hàng trang sức hoặc giới đầu tư.
Một "đầu ra" khác là nhà sản xuất, những người có nhu cầu dùng vàng bên trong bo mạch chủ của điện thoại di động, bởi lẽ vàng dẫn điện tốt hơn nhiều so với đồng.
"Chúng tôi muốn tái chế bất cứ thứ gì có thể. Đôi khi giá trị ẩn giấu bên trong những thứ tưởng như rất nhỏ, thậm chí bỏ đi", ông Tadahiko Sekigawa, Chủ tịch hãng Eco-System Recycling Co cho biết.
Một tấn quặng vàng chỉ cho ra trung bình 5 gram vàng, trong khi một tấn ĐTDĐ cũ có thể chiết xuất tới 150 gram, thậm chí nhiều hơn.
Chưa hết, khối lượng điện thoại cũ đó còn hàm chứa 100 kg đồng và 3 kg bạc, chưa kể nhiều kim loại khác.
"Giá kim loại càng tăng nóng thì ngành công nghiệp tái chế càng trở nên quan trọng. Giá vàng thế giới đã đạt đến mức cao kỷ lục mọi thời đại là 1030,8 USD/ounce vàng hồi tháng 3 vừa qua", ông Sekigawa chia sẻ.
Bằng mỏ vàng nhỏ
Từ các bo mạch cũ, người ta có thể chiết xuất ra vàng, bạc, đồng cùng nhiều kim loại và vi kim quý giá khác. Nguồn:
AP Tái chế rác thải điện tử lại càng có ý nghĩa tại Nhật, quốc gia vốn nổi tiếng là "nghèo nàn và khan hiếm" tài nguyên thiên nhiên.
Mỗi năm, người dân xứ sở Hoa anh đào thải ra hàng chục triệu ĐTDĐ và thiết bị điện tử cũ, trong khi ngành công nghiệp điện tử lại "đói" kim loại trầm trọng.
"Với nhiều người, đó chỉ là núi rác. Nhưng trong mắt chúng tôi, chúng đích thị là một mỏ vàng", ông Nozomu Yamanaka, Giám đốc nhà máy tái chế Eco-Systems cho biết.
Bên trong nhà máy, một dòng vàng nóng chảy đang lừ đừ chui vào khuôn đúc. Chỉ vài phút sau, nó sẽ rắn lại thành một thoi vàng chói lọi nặng 3 kg, với giá trị lên tới 90.000 USD tính theo thị giá hiện tại.
Chỉnh lại cặp kính nhựa đặc biệt để bảo vệ mắt trong khi làm việc, anh công nhân Susumu Arai, 34 tuổi, cho biết mình bắt đầu vào làm từ 2 năm trước.
"Hồi đầu tôi rất sợ phải làm việc ở đây. Nhưng giờ thì tôi lại tìm thấy niềm vui khi mình có thể tạo ra vàng mỗi ngày, theo đúng nghĩa đen", Arai tâm sự.
Đầu tiên, rác thải điện tử được phân loại và tháo dỡ bằng tay. Sau đó, chúng được ngâm vào trong hóa chất để loại bỏ những chất không cần thiết hoặc độc hại. Cuối cùng mới là giai đoạn chiết xuất và tinh chế kim loại.
Trung bình mỗi tháng, Eco-System sản xuất được khoảng 200-300 kg vàng thoi, với chất lượng lên tới 99,99%.
Giá trị của số vàng này lên tới 5,9 triệu - 8,8 triệu USD, tức là ngang ngửa với một mỏ vàng cỡ nhỏ. Họ tái chế kim loại từ chip nhớ cũ, dây cáp và thậm chí cả mực in.
Bài toán đầu vào
Khó khăn lớn nhất cho những nhà máy như Eco-System lúc này là tìm đủ nguồn điện thoại và đồ điện tử cũ để dây chuyền tái chế hoạt động hết công suất.
Tính bình quân, mỗi người Nhật sử dụng một chiếc điện thoại trong 2 năm 8 tháng. Mỗi năm, số lượng điện thoại cũ thải ra cực lớn, nhưng chỉ có từ 10-20% trong số đó đến được với quy trình tái chế mà thôi.
Nguyên do là vì người dân hay có thói quen cất điện thoại cũ trong ngăn kéo, nhà kho hơn là ném ra bãi rác hoặc trả lại cho cửa hàng. "Họ sợ lộ dữ liệu cá nhân lưu trong điện thoại", ông Yamanaka cho biết.
Trong cả năm qua, các nhà máy tái chế chỉ thu gom được 558 tấn điện thoại cũ, giảm tới một phần ba so với thời điểm cách đây 3 năm. Đó là chưa kể tình trạng "chảy máu" rác điện tử sang Trung Quốc.
"Ngành công nghiệp tái chế ở Trung Quốc cũng đang phát triển rất mạnh. Họ cạnh tranh quyết liệt với chúng tôi, khiến giá đầu vào bị đẩy lên cao. Các đầu nậu có xu hướng chuyển hàng sang Trung Quốc, bởi giá bên đó hời hơn".
Để đáp lại, Nhật Bản đang nhập khẩu bo mạch cũ từ Singapore và Indonesia, bởi bên trong những sản phẩm này cũng có chứa khá nhiều vi kim quý.
Một trong số đó là indium - nguyên liệu thiết yếu để sản xuất ra ti vi màn hình phẳng và màn hình máy tính. Mặc dù vậy, ngay cả nguồn cung này cũng không ổn định, do Trung Quốc đang tiến hành siết chặt xuất khẩu.
(Theo Vietnamnet/AP)