DSLR 'lấn sân' máy quay phim
Trong vòng một năm trở lại đây, lượng máy ảnh DSLR quay phim HD đã tăng hơn 5 lần.
Nhớ lại khoảng một năm trước, chỉ có hai máy DSLR có khả năng quay phim là
Nikon D90 và
Canon EOS 5D Mark II. Từ đó trở lại đây, thị trường đã chứng tỏ xu hướng này ngày một ăn khách với không dưới 10 phiên bản từ đủ các hãng tuyên bố hỗ trợ quay phim, kể cả các dòng chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh như
Canon EOS-1D Mark IV và
Nikon D3S.
Xu hướng này quả thật đã mở ra một cơ hội mới cho các nhiếp ảnh gia truyền thống vốn chỉ có thể chụp ảnh. Giờ đây với các máy DSLR từ bán chuyên tới chuyên nghiệp cũng có thể quay video, xu hướng làm phim cá nhân với DSLR đang bắt đầu nở rộ.
Tuy nhiên, DSLR quay video chưa thể thay thế máy quay HD chuyên nghiệp, nhưng không thể phủ nhận rằng chúng cũng có không ít lợi thế khi dùng để quay phim. Lợi thế rõ nhất đó là giá cả và sự gọn nhẹ khi so với các máy quay HD chuyên nghiệp. Thậm chí ngay cả các máy ảnh APS-C cũng có cảm biến lớn hơn (đồng nghĩa chất lượng hình ảnh tốt hơn) các máy quay không chuyên đắt tiền, nhất là trong các điều kiện thiếu sáng. Bên cạnh đó, với hàng loạt các ống kính thay thế từ góc rộng, macro, tilt-shift hay tele…, phim quay bằng DSLR có thể tạo hiệu ứng không kém gì phim ảnh chuyên nghiệp.
Nhưng bên cạnh lợi thế, quay phim DSLR do chỉ là tính năng phụ trợ nên cũng có một số bất tiện nhất định. Chẳng hạn, trong khi máy quay từ bình dân tới chuyên nghiệp đều có thể zoom và tự động lấy nét rất êm thì DSLR do được thiết kế để lấy nét chụp ảnh (một kiểu đơn nhất) nên trong quá trình quay phim, nếu muốn lấy nét chuẩn và êm phải thực hiện bằng tay, nếu không muốn tiếng động của mô-tơ lấy nét cũng bị thu âm.
Máy DSLR cũng thường bị giới hạn ở độ dài phim. Chẳng hạn, thẻ SD phần lớn đều chỉ quay được tối đa mỗi lần bấm 2GB phim (khoảng 5 phút HD hoặc 20 phút SD), một số máy Canon có thể quay tới 4GB nhưng tính ra thời lượng cũng chỉ được 12 phút HD hoặc 30 phút SD. Tuy nhiên, bất lợi này cũng không quá quan trọng, bởi lẽ hầu hết các cảnh phim thông dụng cũng chỉ 5-10 phút, trừ phim điện ảnh. Vì thế, dù chưa thực sự thay thế được máy quay chuyên nghiệp, nhưng nhiều nhà làm phim bắt đầu để mắt đến tính năng này trên máy ảnh DSLR.
Một phân khúc mới nổi không kém phần quan trọng là máy ảnh thay thế ống kính nhưng không hẳn là DSLR, như các máy định dạng Micro Four Third (Olympus, Panasonic) hay dòng microless NX (Samsung). Những máy này có cảm biến lớn nhưng vẫn gọn nhẹ do không dùng hệ thống gương lật truyền thống. Cũng như DSLR, tính năng quay video HD đang dần trở thành mặc định ở đây.
Định dạng video thông dụng của DSLR
Canon EOS-1D Mark IV. Ảnh:
Dpinterface.
Về cơ bản, có hai định dạng độ phân giải phim HD phổ biến là Full HD (1.920 x 1.080 pixel, hay gọi gọn là 1080p) và HD Ready (1.280 x 720 pixel, hay 720p).
Máy ảnh DSLR của Canon có thể quay cả Full HD 1080p lẫn 720p, còn Nikon và Pentax thì chọn chỉ quay 720p, bởi lẽ độ phân giải 1080p dù có nhiều điểm ảnh hơn nhưng lại ngốn nhiều bộ nhớ hơn, tốn công xử lý nhiều hơn (do máy tính phải mạnh hơn) và việc chuyển đổi thành các định dạng để đưa lên web phức tạp, không phù hợp với đại đa số người dùng.
Tốc độ khung hình cũng là thông số đáng quan tâm đối với các máy DSLR quay phim. Chẳng hạn, Nikon thường chọn tốc độ khung hình 24 khung hình/giây, tương đương như tốc độ của phim điện ảnh, trong khi Canon và Pentax (
K7) lại chọn chế độ tiêu chuẩn là 30 khung hình/giây để tạo hình ảnh chuyển động mượt mà. Các phiên bản DSLR mới của Canon như EOS-1D Mark IV và
EOS 7D giờ đây cũng hỗ trợ quay 24 khung hình/giây cho những người thích phong cách phim kiểu điện ảnh truyền thống.
Một số phiên bản DSLR cao cấp hỗ trợ quay phim HD trên thị trường.
Canon EOS 7D có khả năng quay video như bản cao cấp 1D Mark IV. Ảnh: Photographyblog.
1. Canon EOS-1D Mark IV:Phiên bản APS-H (1.3x crop) 16,1 triệu điểm ảnh này nổi bật nhờ khả năng quay video 1080p Full HD với các tốc độ 30 khung hình/giây, 24 khung hình/giây hoặc 25 khung hình/giây (cho hệ PAL). Bên cạnh đó, máy cũng có thể quay với độ phân giải thấp hơn như 720p HD và 480p với tốc độ 60 hay 50 khung hình/giây. Trong khi quay video, người chụp có thể chụp ảnh bình thường chỉ bằng việc nhấn nút chụp. Hình ảnh video sẽ được tạm dừng cho khoảnh khắc này. Tuy nhiên, âm thanh thu bằng micophone tích hợp chỉ là mono, vì thế nếu muốn thu stereo, người dùng sẽ phải lắp thêm microphone ngoài.
2. Canon EOS 7D:
Phiên bản APS-C (1.6x crop) 18 triệu điểm ảnh cũng có đầy đủ tính năng quay video như bản cao cấp 1D Mark IV, như quay phim HD, SD với nhiều tốc độ, chụp ảnh hoặc điều chỉnh phơi sáng trong khi quay… nhưng giá thành chỉ rẻ bằng một phần ba do cảm biến nhỏ hơn. Bên cạnh đó, phiên bản này dùng được mọi ống EOS, cả EF và EF-S chuyên cho máy số chứ không chỉ giới hạn ống EF của các máy Full Frame như 5D Mark II.
3. Canon EOS 5D Mark II:Không thể không nhắc đến phiên bản quay Full HD "đầu tay" của Canon, EOS 5D Mark II với khả năng quay 1080p full HD, 720p HD hay 640 x 480 pixel với tốc độ cố định 30 khung hình/giây. Ban đầu phiên bản này không hỗ trợ chỉnh tay trong khi quay nhưng với những cập nhật firmware gần đây các tính năng này đã được hỗ trợ đầy đủ, kể cả thay đổi tốc độ khung hình.
Máy có lợi thế là cảm biến Full Frame với độ phân giải lên đến 21,1 triệu điểm ảnh nên chất lượng hình ảnh tốt hơn hẳn, kể cả trong điều kiện thiếu sáng. Cảm biến Full Frame cũng giúp máy tận dụng được những ống kính EF đời cũ chất lượng cao mà không phải lo lắng về thông số nhân hình, nhất là các ống góc rộng.
Nikon D3S là phiên bản chuyên nghiệp đầu tiên của Nikon hỗ trợ quay phim HD. Ảnh:
Lemenem.
4. Nikon D3S:D3S (Full-Frame, 12,1 triệu điểm ảnh) là phiên bản chuyên nghiệp đầu tiên của Nikon hỗ trợ quay HD dù chỉ ở độ phân giải 720p / 24 khung hình/giây và định dạng MPEG. Microphone tích hợp cũng chỉ hỗ trợ thu âm mono, vì thế, âm stereo phải nhờ vào hệ thống thu âm lắp ngoài. Các đoạn video bị giới hạn mỗi lần bấm chỉ 2GB (khoảng 5 phút HD AVI), bù lại, ISO trong khi quay có thể đẩy tới 102.400, đặc biệt hữu ích khi thiếu sáng.
5. Nikon D300S:
Phiên bản cấp thấp hơn D300S cũng chỉ dừng ở quay HD Ready 720p / 24 khung hình/giây, dung lượng giới hạn 2GB nhưng do được tích hợp bộ xử lý hình ảnh EXPEED mới nên chất lượng phim và ảnh không thua kém so với dòng chuyên nghiệp của hãng. Với tốc độ chụp 7 khung hình/giây, lấy nét Dynamic AF 51 điểm và hệ đo sáng 3D Matrix Metering II mới, D300S có thể coi là bản cao cấp nhất dòng cảm biến DX (tương đương APS-C).
6. Nikon D90:
Cũng nên nhắc qua phiên bản DSLR đầu tiên quay video của Nikon, D90. Đây là phiên bản bình dân với 12,3 triệu điểm ảnh, hỗ trợ quay video 720p / 24 khung hình/giây với thời lượng tối đa 5 phút. Điểm bất tiện là microphone tích hợp cũng chỉ hỗ trợ thu âm thanh mono nhưng phiên bản này lại không có giắc nối thêm microphone lắp ngoài để thu stereo.
7. Pentax K-7: Phiên bản DSLR đỉnh nhất của Pentax hỗ trợ quay video độ phân giải HD với tỷ lệ khung hình 16:9 hoặc 1.536 x 1.024 pixel với tỷ lệ 3:2. Video được quay với tốc độ khung hình 30 khung hình/giây, thời lượng tối đa nâng lên 4GB (9,5 phút 720p) nhưng lại không hỗ trợ chụp ảnh trong khi quay phim.
Thông số phần ảnh của K7 bao gồm cảm biến CMOS 14,6 triệu điểm ảnh, màn hình 3 inch 921.000 điểm, tốc độ chụp liên tục 5,2 khung hình/giây, thân máy bọc lớp chống thời tiết và chống rung cảm biến.
Những mẫu máy ảnh không gương lật cũng hỗ trợ quay HD
Panasonic Lumix DMC-GH1 hỗ trợ quay Full HD. Ảnh:
Gawker.
1. Panasonic Lumix DMC-GH1:
Phiên bản Micro Four Third 12,1 triệu điểm ảnh, hỗ trợ quay Full HD 1.920 x 1.080 pixel ở 24 khung hình/giây hoặc 1.280 x 720 pixel ở 60 khung hình/giây với định dạng nhỏ gọn AVCHD tiện dụng. Microphone tích hợp cho phép thu âm stereo nhờ hệ thống Dolby Digital Stereo Creator. Lợi thế của GH1 là hỗ tợ lấy nét liên tục trong suốt quá trình quay như một máy quay phim thực thụ.
2. Samsung NX10:
Phiên bản không gương lật cảm biến APS-C này có độ phân giải 14,6 triệu điểm, hỗ trợ quay phim AVCHD 1.280 x 720 pixel, 640 x 480 pixel và 320 x 240 pixel ở tốc độ cố định 30 khung hình/giây.
Các máy thay ống kính định dạng Micro Four Third khác thậm chí còn không giống DSLR cả về mặt hình dáng như hai phiên bản trên cũng có thể kể đến là Olympus
E-P1,
E-P2 và Panasonic DMC-GF1. Ngoài ra, những phiên bản mới công bố dù chưa ra mắt như Olympus E-PL1, Panasonic
G2 cũng đều hỗ trợ quay phim tới mức thông số này đang dần trở thành mặc định thay vì là điểm nhấn cho quảng cáo.
Theo Sohoa