10 tính năng sáng tạo nhất của Mac OS X
Nhân kỷ niệm 10 năm OS X ra đời, chúng ta hãy cùng nhìn lại để thấy 10 tính năng sáng tạo nhất của hệ điều hành này. Chúng bao gồm Time Machine, hỗ trợ PDF, Spotlight, iChat, Classic Environment và Boot Camp, các công cụ lập trình, core UNIX mới, Exposé, Bonjour và Smart Folders. Các tính năng này do biên tập viên của Mac World bình chọn.
Time Machine:
Tuy không thường xuyên xảy ra nhưng biết đâu, một bạn nào đó máy tính của bạn sẽ mở không lên do hỏng ổ cứng. Sẽ là một thảm họa nếu toàn bộ lượng dữ liệu trên đó không được lưu trữ trên 1 thiết bị khác. Bắt đầu ra mắt từ Leopard 10.5, Time Machine có mặt để giúp người dùng sao lưu dữ liệu của họ dễ dàng hơn dễ dàng.
Tuy giao diện còn hơi rối và có thể làm chậm máy của bạn, cũng không dễ để tìm được file mà bạn cần nhưng Time Machine vẫn là một tính năng rất tuyệt vời, đặc biệt là khi bạn chuyển đổi giữa các máy Mac khác nhau.
Hỗ trợ PDF:
Apple đã trang bị chương trình Preview cho phép xem nhiều định dạng file khác nhau và có lẽ tính năng được hoan nghênh nhất chính là hỗ trợ PDF. Người dùng Mac có thể tạo file PDF trong bất cứ chương trình nào hỗ trợ in ấn.
Preview hiện đã được nâng cấp lên phiên bản 5, cập nhật thêm nhiều tính năng mới bảo gồm cả chỉnh sửa đơn giản hình ảnh, đánh dấu các mục dễ dàng và tiện lợi....
Spotlight:
Được giới thiệu để thay thế cho Apple Sherlock, Spotlight có khả năng tạo chỉ mục rất tốt cũng như khả năng tìm kiếm cực nhanh. Spotlight thậm chí còn cho phép người dùng tìm kiếm các nội dung ẩn dấu trong file thay vì chỉ tìm theo tên. Lấy 1 ví dụ thế này, mình tạo 1 file word với tên gọi “kiểm tra” và nội dung là “test máy”. Khi gõ “test máy” (không cần dấu ngoặc) thì Spotlight sẽ có thể tìm ra file “kiểm tra” rất dễ dàng. Hơn nữa, tính năng này còn có thể thực hiện các phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản và tìm từ điển, rất sáng tạo.
Về mặt cá nhân thì mình dùng Spotlight để tìm các chương trình cần mở, chỉ việc nhấn cmd+space (phím tắt mặc định để mở spotlight) và gõ vài từ là xong, nhanh rất nhiều so với việc trỏ chuột đến thư mục application rồi chọn.
iChat:
Chương trình IM đã được tích hợp vào Mac OS từ trước nhưng nó chỉ thật sự tỏa sáng khi iChat ra mắt vào năm 2002 với bản OS X 10.2. iChat liên kết chặt chẽ với chương trình danh bạ Address Book và email Mail. Phiên bản nâng cấp Panther 10.3 sau đó tích hợp thêm khả năng video conference. Hơn nữa, iChat còn có thể điều khiển máy người dùng từ xa (remote desktop) nhằm chỉ dẫn hoặc sửa lỗi cho khách hàng dễ dàng hơn.
Classic Environment và Bootcamp.
Đây là 2 tính năng rất khác nhau nhưng chúng cùng phục vụ cho 1 mục đích: giúp người dùng mới làm quen với OS X dễ dàng hơn.
Chế độ Classic Environment cho phép các ứng dụng trên OS 9 chạy gần như hoàn hảo trên OS X, chạy song song với các ứng dụng viết riêng cho OS X mà không cần lo ngại việc thiếu tương thích. Đây là một ưu điểm tuyệt vời mà những bản nâng cấp hệ điều hành lớn thường thiếu. Mỗi khi chuyển qua một hệ điều hành mới, người dùng thường phải vứt bỏ những phần mềm ưa thích của mình do nó không tương thích và chờ bản nâng cấp nhưng Classic Environment sẽ khắc phục được điều đó.
Boot Camp cho phép người dùng Windows chuyển sang dùng phần cứng Mac mà không phải bỏ các ứng dụng cũ. Khởi nguồn là bản beta từ đầu năm 2006 và chính thức phát hành vào 2007, Boot Camp chắc chắn đã làm doanh số Mac tăng rất nhiều khi một máy tính Mac có thể khởi động kép vào Windows hoặc OS X. Tất nhiên, máy ảo như Fusion hay Parallels cũng có thể làm việc này nhưng nó không tận dụng hết sức mạnh của máy tính.
Các công cụ lập trình:
Đây chính là công nghệ quan trọng nhất mà hầu hết người dùng Mac sẽ không bao giờ dụng tới. Bộ công cụ Xcode hay còn gọi là Project Builder trước đó đã giúp giới lập trình viên thuận tiện hơn trong việc phát triển phần mềm. Đặc biệt hơn, Xcode kèm miễn phí theo OS X chứ không đòi hỏi khách hàng phải trả hàng trăm đô để mua như các IDE (integrated development environments) bên thứ 3 (CodeWarrior là 1 ví dụ)
Unix:
Việc sử dụng nhân Unix mới là một cải tiến rất quan trọng của Mac OS X, nó cho phép bảo vệ bộ nhớ đồng thời làm cho hệ điều hành này ổn định và hiệu tăng tăng cao lên rất nhiều. Tính năng bảo vệ bộ nhớ sẽ giúp cho các chương trình khác hoạt động bình thường khi 1 chương trình bị crash. Hơn nữa, nhân Unix cũng gần như làm cho người dùng Mac quên đi việc khởi động lại máy, có khi vài ngày hay vài tuần mới phải khởi động lại 1 lần.
Exposé:
Bằng việc giới thiệu Exposé trong bản OS X 10.3 vào năm 2003, Apple đã giải quyết được 1 vấn đề rất cơ bản của người dùng máy tính: chuyển đổi nhanh giữa các cửa sổ, các ứng dụng. Việc tích hợp Exposé vào bàn rê đa điểm trên Leopard còn làm cho tính năng này tuyệt vời hơn. Hầu hết người mới dùng Mac đều thấy rất thích thú với Exposé. Thay vì phải cmd+tab (tương đương windows+tab) trên Windows thì chúng ta chỉ việc vuột 4 ngón ta xuống là tất cả các cửa sổ đã hiện lên, hoạt động trên các cửa sổ đó cũng được hiển thị trực tiếp, sinh động và dễ quan sát.
Bonjour:
Jobs có vẻ rất thích tiếng Pháp, Bonjour là một bản nâng cấp của Rendezvous trước đó. Bonjour cho phép các thiết bị tích hợp công nghệ này kết nối với nhau mà người dùng không cần phải làm bất cứ thao tác nào. Đây là một phiên bản Apple của Zero Configuration Networking. Với công nghệ này, người dùng Mac có thể dễ dàng kết nối với máy in, các máy Mac khác, máy chủ hay thậm chí là máy tính Windows có cài Bonjour..... Các phần mềm như iChat, iPhoto hay iTunes. cũng dùng Bonjour.
Smart Folders:
Trong Finder, bạn vào File>New Smart Folder hoặc bấm alt+cmd+n để tạo một thư Smart Folder mới. Smart Folder cho phép bạn tạo các thư mục chứa nội dung mà mình cần tìm, chẳng hạn như các file word mà bạn mở trong 10 ngày gần đây, các file word có chữ xxx..... Smart Folder làm được là nhờ khả năng tìm kiếm siêu hạng của Spotlight vốn cũng được thêm vào tại OS X 10.4.
Kết luận:
Tất nhiên, Mac OS X còn nhiều tính năng thú vị khác, chẳng hạn như Dock, Automator hay Quick Look (bấm space khi duyệt file). Mình thì thích nhất Spotlight, theo bạn, tính năng nào là sáng tạo nhất?
Theo tinhte