Thuế ĐTDĐ và ảnh hưởng tới nền kinh tế
Viễn thông với nền kinh tế tại các nước đang phát triển
Theo một nghiên cứu mới đây của Deloitte thực hiện cho Hiệp hội GSM, việc sử dụng truyền thông di động là một bộ máy đầy sức mạnh giúp tăng trưởng nền kinh tế, nơi mà Chính phủ có thể kích thích sự phát triển của nền kinh tế bằng nhiều cách, đặc biệt là từ các loại thuế đánh trên các dịch vụ và điện thoại di động. Nghĩa là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông di động sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Xã hội hiện đại với nhiều ngành nghề đa dạng, nhưng tất cả đều cần tới viễn thông như một công cụ đắc lực trong kinh doanh.
Tại các nước đang phát triển, cứ 10% tăng lên trong tỉ lệ dân sử dụng điện thoại thì sẽ làm tăng tỉ lệ phát triển kinh tế hàng năm lên 1,2%. Điều này tương ứng với một giả thuyết quan trọng: nếu tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động tăng 4% một năm, tăng từ 10% lên 20% thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ở mức 5,2% một năm.
Mặc cho những lợi ích hiển nhiên về kinh tế cũng như xã hội của truyền thông di động, vẫn có 16 trong số 101 quốc gia được đưa vào cuộc nghiên cứu đánh thuế các dịch vụ và thiết bị điện thoại di động như một hàng hóa cao cấp, hơn là một phương tiện cần thiết cho liên lạc. Ví dụ, tại các quốc gia ở Đông Phi, thuế thường chiếm khoảng 25 đến 30% tổng chi phí để mua một chiếc điện thoại, so với con số trung bình của thế giới 17,4%. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, 44% chi phí để mua một chiếc điện thoại là dành cho thuế. Tùy vào quan điểm của Chính phủ mỗi nước mà người ta coi điện thoại di động như là một công cụ liên lạc hữu ích cần cho sự phát triển kinh tế, hay coi nó là một loại hàng hóa cao cấp được so sánh với rượu, thuốc lá, mỹ phẩm...
“Thuế dịch vụ di động và thiết bị điện thoại mà được coi như trứng cá muối hay rượu sâm-panh thì thật phản tác dụng”, Tom Phillips, Tổng thư ký hiệp hội GSM nói. “Cuộc nghiên cứu này củng cố thêm một giả thuyết rằng sự phát triển của các dịch vụ di động là yêu cầu cơ bản cho sự phát triển của nền kinh tế, mang lại khả năng truyền thông nhanh và hiệu quả. Các quốc gia nên nhận thấy điều này và điều chỉnh chính sách thuế của mình để khuyến khích, hơn là hạn chế việc sử dụng điện thoại di động”.
Vậy có nghĩa, nền kinh tế càng phát triển thì càng cần tới viễn thông di động như một phương tiện truyền thông không thể thiếu. Báo cáo của Deloitte kết luận, trong nhiều trường hợp, cắt giảm thuế dịch vụ di động sẽ dẫn đến việc tăng tổng số thuế thu về, vì những tác động tích cực của nó đến nền kinh tế.
ĐTDĐ tăng liên kết xã hội và tạo thêm việc làm
Giáo sư Leonard Waverman của trường London Business School bổ sung thêm: “Tác động của điện thoại di động đến thế giới cũng giống như cuộc cách mạng của đường xá, xe lửa và cảng biển, tăng liên kết xã hội và tạo ra động lực kinh doanh, từ đó khuyến khích hoạt động thương mại và tạo thêm việc làm”. Giáo sư Waverman là một trong những người đầu tiên đề xuất mối liên hệ giữa tỉ lệ sử dụng điện thoại di động và sự phát triển kinh tế. Theo ông, để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và vững chắc, cần coi trọng vị trí của truyền thông di động.
20 quốc gia trong cuộc nghiên cứu đánh thuế các hình thức truyền thông di động cao hơn truyền thông cố định, trong đó có cả Hoa Kỳ. Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phát triển quốc tế khác đánh giá truyền thông di động chứ không phải truyền thông cố định, là một trong những cách có hiệu quả cao nhất trong việc liên lạc của con người trong thế giới đang phát triển.
Mohsen A. Khalil, Giám đốc Thông tin toàn cầu và Công nghệ truyền thông, Ngân hàng Thế giới, nói: “Chúng tôi tin rằng tất cả các chính sách thuế nên đưa ra làm sao để không tạo ra thêm bất cứ rào cản nào để gia nhập và không tăng thêm chi phí cho dịch vụ cung cấp cho người nghèo. Lợi ích gián tiếp đến nền kinh tế của việc có khả năng sử dụng các dịch vụ viễn thông có giá trị lớn hơn nhiều bất kỳ lợi ích ngắn hạn nào cho ngân sách quốc gia”.
Dennis Knowles, một đối tác của Deloitte bổ sung: “Chúng tôi sẽ thuyết phục Chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ mạng cùng làm việc để xác định được tác động kinh tế của từng phần, một mức thuế phù hợp và làm sao để kết hợp tất cả những điều này cho thích ứng với mục tiêu của quốc gia”.
... Và tại Việt Nam
Tại Việt Nam, thuế đánh vào điện thoại đã từng là vấn đề rất lớn. Cách đây vài năm, Chính phủ và các nhà phân phối thiết bị đầu cuối phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ điện thoại nhập lậu với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Đã có lúc, người ta thống kê được rằng, 90% số điện thoại có mặt trên thị trường Việt Nam qua con đường nhập lậu, bởi khi đó, thuế nhập khẩu điện thoại di động và các thiết bị viễn thông còn khá cao. Vụ án công ty Đông Nam, với hơn 800 tỷ đồng phạm pháp và một loạt các công ty, tổ chức có liên đới đến việc buôn lậu điện thoại đã gây “rùm beng” dư luận một thời gian dài.
Viễn thông di động tại Việt Nam đã có nhiều biến chuyển tích cực
Năm 2005, những bước biến chuyển tích cực trong việc giảm thuế điện thoại di động cùng với một loạt những hành động kiên quyết của ngành Hải quan đã mang lại những kết quả khá tốt đẹp. Thuế nhập khẩu điện thoại di động nguyên chiếc giảm xuống còn 5%, thuế nhập khẩu linh kiện giảm xuống còn 15%. Giá cả điện thoại di động tại Việt Nam không chênh lệch so với các nước trong khu vực là mấy. Người tiêu dùng không còn quá mặn nồng với những chiếc điện thoại nhập lậu với chất lượng kém, mà thay vào đó, là hàng được nhập khẩu chính ngạch từ các nhà phân phối với chất lượng đảm bảo hơn, thời gian bảo hành lâu hơn và giảm đáng kể lượng điện thoại nhập lậu. Sự khác nhau về chất lượng giữa điện thoại nhập lậu và chính ngạch khá rõ rệt, trong khi giá cả lại không chênh lệch nhiều, chính vì vậy, hàng nhập lậu đã không còn chỗ đứng và hàng chính hãng lên ngôi. Điều đó khẳng định, chính phủ nước ta đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của viễn thông di động đối với sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự phát triển của xã hội.
Giờ đây, người tiêu dùng có thể chọn lựa cho mình nhiều mẫu điện thoại khác nhau của Nokia, Motorola, Samsung, Sony Ericsson... các hãng sản xuất này đều có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam với chế độ bán hàng, bảo hành và chăm sóc khách hàng chu đáo.
Cùng với việc các thiết bị đầu cuối được giảm thuế nhập khẩu, thị trường viễn thông trong nước đã trở lên sôi động hơn rất nhiều nhờ sự góp mặt của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mới. Ngoài 2 mạng MobiFone và VinaPhone, khởi đầu cho sự bùng nổ là S-Fone với công nghệ CDMA mới mẻ và giá cước đàm thoại hấp dẫn, tiếp theo đó là sự xuất hiện của Viettel đã làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Giá cước viễn thông liên tục giảm, chất lượng đàm thoại dần được cải thiện. Thị trường viễn thông Việt Nam thực sự bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Đến tháng 12 năm 2006, số thuê bao di động tại Việt Nam lên đến con số kỷ lục: 25,4 triệu thuê bao. Riêng trong năm 2006, số thuê bao mới là 10 triệu thuê bao, tăng 60% so với năm 2005. Chưa hết, sự phát triển thuê bao các mạng di động kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp giải trí trong nước.
Từ năm 2005, ngành công nghiệp giải trí trong nước bắt đầu nở rộ với các dịch vụ giành cho điện thoại di động. Ngành công nghiệp nội dung cho điện thoại di động bắt đầu hốt bạc mang về cho nhà nước mỗi năm hàng trăm tỉ đồng như: Dịch vụ tin nhắn hình, nhạc chuông, download game, các trò chơi hấp dẫn qua tin nhắn... Rồi tiếp đến là mọi thông tin về cuộc sống xung quanh từ lịch chiếu phim, giá vàn, đô la, giá chứng khoán, kết quả thể thao... tất cả đều nằm trong tay bạn chỉ với các câu lệnh nhắn tin. Chưa kể các dịch vụ giải trí truyền hình, các dịch vụ thanh toán qua sms không chỉ mang đến sự tiện lợi cho người sử dụng mà đó còn là những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của cả nước.
Sự phát triển của ngành viễn thông là yêu cầu cơ bản cho sự phát triển của một nền kinh tế. Nó đảm bảo sự giao tiếp thông suốt, khả năng truyền thông nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả. Điều không thể bàn cãi, đó là một nền kinh tế sẽ không thể phát triển mạnh được nếu ngành viễn thông yếu kém, những con số, những so sánh giữa các quốc gia phát triển, đang phát triển mạnh và các nước nghèo là minh chứng hùng hồn cho điều đó.
Năm 2007, với sự kiện Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, kéo theo rất nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư – các đại gia trong ngành viễn thông thế giới, viễn thông Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi đầu tiên với việc các nhà cung cấp giảm giá cước, tăng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các kênh thông tin... tất cả đang hứa hẹn một năm phát triển rực rỡ.