Khi mobile "lên sàn"
(Mobilenet) - Quỳnh vừa ra một quyết định thật nhanh chóng, chiều nay phải tìm mua ngay cho mình một chiếc ĐTDĐ mới, một “con dế thông minh” (smartphone) để có thể nghe gọi tốt, tính toán dễ dàng và nhận được các bản tin chứng khoán. Trong thời buổi thị trường chứng khoán đang lên cơn sốt như hiện nay, quyết định của Quỳnh cũng là sự lựa chọn của đại đa số các nhà đầu tư.
“Đầu tư” qua… ĐTDĐ
Bước vào sàn chứng khoán SSI, Tp.HCM trong những ngày “hot” - khi mà chỉ số VNIndex tăng giảm liên tục, chắc rằng dù là một kẻ “ngoại đạo” bạn vẫn có thể cảm nhận thấy không khí căng thẳng đến “ngột thở”. Sự căng thẳng thể hiện rõ trên nét mặt của những người có mặt trên sàn với dáng vẻ bề ngoài rất khác nhau. Có người ăn mặc lịch sự và tươm tất như một nhân viên văn phòng, người trông “sành điệu”, lại cũng có những phụ nữ giống như những bà nội trợ trong một buổi họp chợ hàng ngày... Vậy mới biết, chơi chứng khoán bây giờ không còn hạn chế trong một số thành phần xã hội nào, mà gần như mọi người, mọi giới đều đã quan tâm và bắt tay đầu tư vào thị trường chứng khoán.
cặm cụi với "dế" trên sàn chứng khoán
Tuy các nhà đầu tư mỗi người một vẻ nhưng đều có một điểm chung, không ai không trang bị cho mình ít nhất một chiếc ĐTDĐ. Anh Cường, nhân viên EAB cho biết: “ĐTDĐ là vật tối quan trọng khi lên sàn. Bất kể khi nào trên bảng niêm yết có thông tin gì liên quan tới cổ phiếu mà mình đang theo, tôi thường gọi điện cho bạn bè hoặc người thân ngay lập tức để xác minh lại thông tin và nhờ tư vấn, sau đó mới ghi quyết định cuối cùng của mình ra trên phiếu lệnh”. Anh Lương, chủ một tiệm tạp hóa nhỏ bổ sung thêm: “Khi muốn đặt lệnh mua một loại cổ phiếu “ngon lành” nào đó mà mình đã được tư vấn, tôi lại dùng ĐTDĐ để gom tiền từ nhiều nguồn vào tài khoản giao dịch chứng khoán”. Rồi chẹp miệng, anh chốt lại một câu: “Cũng may là có cái điện thoại, không thì không biết phải xoay sở thế nào. Chậm chân hơn người chỉ một tích tắc thôi là cũng bị vuột mất hàng chục triệu như chơi”.
Ai lên sàn chứng khoán hầu như cũng đều chuẩn bị sẵn cho mình 1 chiếc ĐTDĐ đầy pin. Thậm chí, nhiều người còn trữ sẵn pin dự phòng hoặc trong tình trạng “2 tay 2 súng” vì chẳng ai muốn phải “dở khóc dở cười” khi pin điện thoại hết ngay trong những giờ phút căng thẳng của thị trường.
Điều hành… “trực sàn viên”
Nga, nhân viên văn phòng của một công TNHH nọ vội vã bước thấp bước cao từ ngoài cửa tiến lại gần bảng điện tử. Vừa lẩm nhẩm đọc thông tin từ bảng, cô vừa móc trong túi xách ra chiếc ĐTDĐ, bấm nút gọi đi thoăn thoắt và nhắc lại không sót một thông tin nào về loại cổ phiếu SBT trên bảng cho đầu nghe bên kia. Sau chừng 10 phút, cô ngắt máy và vẫn thao tác thoăn thoắt đầy chuyên nghiệp, cô lại thực hiện tiếp cuộc gọi và nội dung thì lặp lại gần như đến y chang cuộc nói chuyện ban đầu. Sau khoảng 3 cuộc gọi điện như vậy, cô mới dừng lại và giải thích: “Mình vừa alô thông báo tình hình phiên cho nhóm chơi chứng khoán. Nhóm có 4 người mà mỗi người lại ở một công ty khác nhau. Giờ làm việc không thể nào lên sàn được nên nhóm mới phải cắt cử từng đứa một thay nhau mà trực sàn. Hôm nay đến lượt mình. Mình cũng chỉ viện vài lý do công việc để tranh thủ tạt qua sàn chút thôi…”
Đến nhanh, gọi điện gấp rút, thông tin “miêu tả” bảng niêm yết một cách tỉ mẩn và ra đi nhanh hơn lúc đến… những người như thế này ngày càng xuất hiện nhiều trên các sàn giao dịch. Một nhà đầu tư trên sàn Bảo Việt cho biết: “Có những lúc nhà đầu tư thật sự bận rộn với công việc và nhiệm vụ hàng ngày của mình nên không thể có mặt thường xuyên trên sàn chứng khoán để theo dõi thị trường và đặt lệnh, họ lại sử dụng 1 “cascadeur” cho mình. Người này sẽ thay họ lên sàn, bất cứ khi nào có sự thay đổi hay biến động đối với những loại cổ phiếu mà họ đang đầu tư, người kia sẽ có nhiệm vụ thông báo với họ qua điện thoại và chờ nhận lệnh từ họ”.
Với chị Linh, một tiểu thương ở chợ Bến Thành, Q.1, công dụng chính chiếc ĐTDĐ của chị là để đặt hàng. Nhưng từ dạo chị bắt đầu quan tâm và tập tành đầu tư vào chứng khoán, chức năng chính của nó lại chuyển thành đặt… lệnh, trao đổi với “cò” chứng khoán và điều hành… “trực sàn viên”. Những khi rảnh rỗi, chị gửi sạp lại cho cô bé phụ việc và tranh thủ tạt ngang sàn để theo dõi tình hình hoặc “trực chiến” khi cần thiết. Nhưng khi sạp đắt khách, chiếc điện thoại thực sự trở nên cần thiết cho chị biết bao. Dù không có mặt trực tiếp tại sàn, nhưng mỗi khi có thay đổi gì, chị Linh đều được thông báo một cách nhanh chóng và cũng thông qua “chú dế” cưng, chị có thể quyết định và đặt lệnh mua bán dễ dàng từ xa. Loại đối tượng chọn kiểu thông tin về chứng khoán này không chỉ dừng lại ở tiểu thương hay những người không còn kênh thông tin nào khác về chứng khoán ngoài ĐTDĐ. Anh Vũ, lập trình viên của công ty TMA cho biết, các đồng nghiệp của anh cũng có nhiều người chơi chứng khoán. Có điều kiện để tiếp cận thông tin về thị trường chứng khoán bằng Internet, nhưng di động vẫn là một trong những kênh thông tin ưa thích (nhất là với những người đầu tư chứng khoán theo kiểu ngắn hạn). Đơn giản vì thế nào, thông tin trực tiếp đến từ sàn giao dịch qua điện thoại vẫn là nhanh và chính xác nhất, hơn nữa họ có thế đặt lệnh mua hoặc bán ngay lập tức qua người trung gian. Thậm chí có anh bạn còn “cắm” cả em trai mình - hiện đang là sinh viên của một trường đại học, ở sàn giao dịch thay cho mình. Cứ sau giờ lên lớp, cậu em lại trực chỉ về phía sàn chứng khoán, tay lăm lăm điện thoại, luôn sẵn sàng thông báo cho anh mình biết những thông tin nóng hổi, và bút thì luôn sẵn trên túi để viết phiếu lệnh theo “chỉ thị” của anh mình khi cần.
Với các giao dịch trên sàn OTC, chiếc điện thoại càng là vật cần thiết hơn bất kì vật gì khác. Lý do là khác với các nhà đầu tư chứng khoán được niêm yết, thời gian giao dịch trong ngày của họ không phải bắt đầu và kết thúc theo thời gian của sàn giao dịch, mà hầu như bất cứ thời điểm nào trong ngày, miễn sao phát sinh nhu cầu mua và nhu cầu bán. Họ sẽ lập tức tiến hành thoả thuận rồi người mua cầm tiền tới nhà người bán để nhận hàng. Người chuyên nghiệp gọi kiểu khớp lệnh của thị trường OTC là (t + phút), có nghĩa tính từ thời điểm nhận điện thoại cho đến khi khớp lệnh dường như chỉ tính bằng phút, nếu không nhanh “hàng” có thể sẽ bị mua hoặc bán mất. Vậy nên, đối với các nhà đầu tư cổ phiếu OTC, ĐTDĐ hầu như là vật bất li thân và họ không bao giờ tắt máy vì ý nghĩ chỉ một tích tắc, tắt máy sẽ làm bỏ lỡ một thông tin hay giao dịch quan trọng.
Một nhà đầu tư phân tích: “Giao dịch OTC rủi ro và cũng phiêu lưu không kém, vì chẳng thể công chứng được mớ giấy biên nhận. Nên nếu cần, chỉ có gọi điện cho mối quen để mua. Thông thường, một người chơi chứng khoán OTC lão luyện luôn có cả chục mối quen, sẵn sàng giới thiệu cho họ người bán các loại cổ phiếu OTC của các công ty khác nhau. Và khi cần bán, họ cũng chỉ cần “bắn” tin tới các mối này, tất cả đều thông qua những cuộc gọi di động.
“Nhà mạng”, dân “alô” và nhà nội dung cũng… “Lên sàn”
Nếu tìm được cho mình một “cascadeur” trực sàn và điều hành qua ĐTDĐ, bạn quả là một người may mắn. Nhưng khi chưa tìm được, bạn cũng đừng nản vì “dế” của bạn vẫn còn “diễn” được khối trò hay. “Sốt” cùng các nhà đầu tư, những nhà cung cấp dịch vụ GTGT cho các mạng di động như 996 của Dalink, 9222 của MobiFone, vv... đều có cung cấp cho người sử dụng dịch vụ xem thông tin chứng khoán qua di động. Người sử dụng 9222 có thể tra cứu thông tin về 1 mã chứng khoán cụ thể bằng cách nhắn tin CK_mã loại chứng khoán, gửi tới 9222 và nhận lại thông tin về mã chứng khoán đó. MobiFone và VinaPhone cũng cung cấp cho người dùng dịch vụ thông tin chứng khoán qua trang WAP của mình.
Tuy nhiên, thông tin về chứng khoán trên những trang WAP này chỉ được cập nhật duy nhất 1 lần trong ngày, vào cuối phiên giao dịch. Điều này không làm thoả cơn khát thông tin của các nhà đầu tư nếu họ có nhu cầu theo dõi thông tin chứng khoán qua ĐTDĐ. Nhìn chung, các dịch vụ loại này hiện vẫn chưa nhiều bởi các nhà cung cấp vẫn còn e dè với tính chính xác - một trong những yêu cầu quan trọng và khắt khe nhất. Nếu khách hàng thực hiện giao dịch mà chỉ dựa trên thông tin do họ cung cấp, mức độ rủi ro có thể rất cao. Thông tin được cung cấp của các loại dịch vụ này cũng còn rất đơn giản, có khi chỉ tổng hợp chỉ số VNIndex và giá niêm yết được tổng hợp lại từ các báo... Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể tận dụng tiện ích được đem lại từ chương trình VnStock Final của công ty Giải pháp CNTT Dasis. Chương trình này được viết bằng ngôn ngữ Java và hiện tại, có thể cài đặt trên các máy có hỗ trợ Java của Nokia (Serie 40, Serie 60), Motorola, Sony Ericsson, Siemens. Muốn sử dụng chương trình, điện thoại cần được kết nối GPRS. Muốn xem thông tin mới nhất về thị trường chứng khoán, bạn chỉ cần chọn phím Update, sau đó bạn có thể đọc được các thông tin như: chỉ số VNIndex, sự tăng giảm khối lượng giao dịch, giá khớp lệnh, giá tham chiếu, khối lượng khớp lệnh, giá bán, khối lượng bán, chênh lệch giá, giá mua, khối lượng mua trong các phiên giao dịch… Ngoài ra chương trình còn có thể vẽ biểu đồ liên quan tới 3 giá trị: chỉ số VNIndex, khối lượng chứng khoán giao dịch và tổng giá trị giao dịch trong ngày. Không chỉ những chức năng cơ bản như SMS hay nghe - gọi của chiếc điện thoại mới hỗ trợ đắc lực, mà ngay cả chức năng máy tính của “chú dế” cũng có thể hỗ trợ rất nhiều cho người chơi chứng khoán. Ngay tại sàn giao dịch, khi có sự thay đổi về giá cả của các loại cổ phiếu được niêm yết, nhiều người lại mở điện thoại ra, bấm bấm tính toán với chức năng máy tính có sẵn của chiếc điện thoại.
Sự phát triển của các dịch vụ GTGT ăn theo chứng khoán, cộng thêm yêu cầu giao dịch phát sinh lớn của các nhà đầu tư qua ĐTDĐ đã phần nào tác động đến thị trường thiết bị đầu cuối. Những chiếc “Alô” thông minh hay PDA giờ không chỉ còn là vật thể hiện độ “sành điệu” của giới trẻ hay những người ưa thể hiện hình thức nữa. Ngay cả những bà nội trợ hay những ông chủ tiệm đại lý bán buôn bán lẻ cũng đã và đang trang bị cho mình những chiếc điện thoại kiểu này. Màn hình to, rõ nét, ưu ái trình duyệt Wap 2.0 để nhận được sự dao động lên xuống của các chỉ số; pin bền, sóng khỏe phục vụ cho những cuộc gọi thông tin hay hội ý dài; chức năng máy tính thể hiện đơn giản với bàn phím dễ bấm… là tiêu chí số một để chiếc ĐTDĐ có thể “lên sàn” và “hái ra tiền” thời chứng khoán.
Theo e-CHIP MOBILE SE