Viết cho cha
Con xin tiền đóng học phí học bằng B Anh văn. Cha nói: "Để cha tính".
Một lần sau giờ học, lũ bạn rủ con đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen - cha của con. Cha chạy honda ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm.
Nguồn cội
Chị sắp có con đầu lòng, bao nhiêu niềm háo hức, mong đợi, hạnh phúc được chị thể hiện bằng cách sắm sửa cho con không thiếu thứ gì. Vậy mà hôm lên đón cháu về, má chị lại rầy: "Sao lại bận cho thằng nhỏ cái áo cũ mèm như vầy?" . Chị cười: "Má không nhớ cái áo này sao?" . Rồi nước mắt chợt rơi. Đó là cái áo mà má may bằng tay khi sinh chị mà chị còn giữ được tới bây giờ. Cái áo đó bốn đứa em của chị lúc nhỏ đứa nào cũng đã từng mặc qua.
Cãi nhau
Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo, nhốt trong *g, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong *g, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó, đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà * già.
Mẹ ghẻ.
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.
6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ...
Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói, dường như bà mẹ ghẻ thì ở lại với nấm mồ , còn cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu...
Bên sân
Một khung trời vàng rơm. Chút nắng cuối cùng hắt qua cửa. Nhà tôi - buổi chiều tà. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường tụ tập lại, dàn trận đánh nhau. Nó ngồi co ro, run rẩy tội nghiệp. Cơn bệnh tim của nó đã cướp mất cái quyền làm trẻ con như những đứa trẻ cùng xóm chúng tôi, dù chỉ trong một trận đánh giả. Nhà nó nghèo lắm, nhưng nó ngoan, nó luôn bảo với chúng tôi về lời dặn của mẹ nó: "Khi nào mẹ có tiền để chữa bệnh, rồi con hãy chơi cùng chúng nó".
Chiều vàng. Nắng sắp tắt. Không còn nó ngồi xem chúng tôi dàn trận nữa. Mẹ nó thẫn thờ ngồi bên bát nhang. Tôi cay sống mũi, thế là bên sân nhà tôi không còn một đứa trẻ chăm chú nhìn chúng tôi thèm thuồng.
Xoong cơm tráng
Xưa, nhà nghèo, đông con, cơm còn bữa rau bữa cháo, nói gì đến thức ăn. Lâu mới có món cá con kho mặn. Xoong cá ăn xong, đổ cơm vào tráng ăn rất ngon. Ba luôn nhường cho con cơm tráng lần đầu và tráng lại lần hai cho mình. Ba lao động cực nhọc, không một lời than, cố nuôi con ăn học nên người.
Nay trưởng thành, xa nhà, các món Tây Tàu con đã từng nếm nhưng không thể nào bằng món cơm tráng ngày xưa. Chiều mưa làm con nhớ nhà, nhớ Ba và thèm chén cơm tráng, Ba ơi!
Con gái
Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa: "Con gái là con người ta".
Mẹ gục đầu vào vai anh nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại… Mẹ cũng là con gái…
Mẹ & con
Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.
Nuôi con !
Nhà có cháu, bố mẹ đi làm cả ngày nên muốn thuê người ngoài. Bà nội muốn tự tay mình chăm sóc.
Mẹ làm ngành y rất kỹ lưỡng về vệ sinh, có ý không thích để bà nuôi. Một hôm mẹ làm về sớm thấy bà mớm cho cháu, không bằng lòng nên nói với bố. Đến tối, bố nói: bà nuôi theo kiểu dân gian, mất vệ sinh lắm nên cháu bệnh hoài, thôi để con thuê người chăm cho cháu.
Bà ngỡ ngàng, chống chế yếu ớt: tao nuôi mày cũng lớn, mạnh khỏe mà có sao đâu!
Những đôi chân
Mới giữa tháng, Kiên đã gởi thư về xin thêm tiền. Mẹ thở dài xoa đầu cô Út:
- Thôi, để một thời gian nữa mới tính chuyện mua xe đạp cho con vậy nhé!
Nhưng, cả năm bị mất mùa. Cả nhà gồng gánh hết sức mới tạm đủ tiền cho Kiên, nói chi đến việc mua một chiếc xe đạp mới.
Tết, Kiên đóng bộ thật bảnh về nhà. Ba mẹ và em mừng rỡ ra đón. Cậu tháo đôi giầy ra, và chợt nhìn xuống chân: chân ba mẹ nứt nẻ vì công việc nhà nông vất vả, chân em sần sùi, đen đủi vì phải lội bộ gần chục cây số đến trường hàng ngày. Chỉ có chân Kiên trắng hồng.
Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: “Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?” Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: “Sao má chẳng ăn gì?” Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…
Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: “Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.”
Giá mà
Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .
Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!