Cuộc tranh chấp WCDMA giữa 2 "ông lớn"
Cuộc tranh chấp về phí trả cho bằng sáng chế giữa Nokia và Qualcomm đang là tiêu điểm được quan tâm trong ngành công nghệ không dây. Cuộc tranh cãi bắt đầu diễn ra khi bản hợp đồng giữa Nokia và Qualcomm hết hiệu lực vào ngày 9/4/2007.
Xoay quanh vấn đề bản quyền phát minh cho chuẩn CDMA băng thông rộng, hay còn gọi là WCDMA (UMTS), đang phát triển nhanh ở châu Âu và một vài nơi khác, cuộc tranh chấp này có thể gây ra một làn sóng mới về kiện tụng giữa các đại gia trong ngành công nghiệp không dây.
Qualcomm là hãng lớn thứ hai trên thế giới về sản xuất chip ĐTDĐ, đồng thời cũng là hãng cấp phép về bản quyền phát minh công nghệ CDMA cho các hãng sản xuất điện thoại. Hợp đồng giữa Qualcomm và Nokia được ký từ năm 2001 và hết hiệu lực vào ngày 9/4/2007. Qualcomm muốn ký lại bản hợp đồng này, tuy nhiên, việc tranh chấp xảy ra vì Nokia muốn giảm phí phải trả cho Qualcomm. Tuy nhiên nếu không ký được hợp đồng, Nokia sẽ không được phép sản xuất tiếp các loại điện thoại CDMA, cũng như không được cung cấp những loại thiết bị khác cho các công ty cung cấp dịch vụ mạng CDMA. Và Qualcomm lại không muốn phải nhận phần ít hơn từ phía Nokia. Vậy là một cuộc tranh cãi diễn ra và cả 2 “ông lớn” này đều cho rằng mình là người có lý.
Nokia hiện là một trong số 6 công ty có đóng góp về mặt công nghệ cho chuẩn điện thoại CDMA (5 công ty khác là: Ericsson, Nokia, Qualcomm, Siemens AG và Motorola).
Khởi đầu là tranh chấp về phí bản quyền phát minh
Cả Nokia và Qualcomm đều có những yêu cầu trái ngược nhau về tỉ lệ phí bản quyền phát minh mà Nokia phải trả cho điện thoại WCDMA do hãng sản xuất. Nokia cho rằng, tỉ lệ phí họ trả ít hơn 3% trên những điện thoại WCDMA công ty bán ra, theo thỏa thuận trong hợp đồng cấp phép, còn Qualcomm bác bỏ điều này với một con số khác là 4%.
Các nhà phân tích tại Merrill Lynch nhận định rằng, phí bản quyền phát minh của Qualcomm được tính theo một con số cụ thể, không tính đến giá của thiết bị. Ví dụ, với một chiếc điện thoại giá 600 USD, phí bản quyền cho Qualcomm là 4%, vậy số tiền phải trả sẽ là 24 USD cho một chiếc điện thoại. Nhưng lấy ví dụ khác với một “con dế” giá 1.000 USD, Qualcomm sẽ thu phí tối đa 24 USD, và như vậy, tỉ lệ phí ở đây chỉ chiếm 2,4%.
Như vậy, giá có cao đến đâu, phí tối đa mà Qualcomm thu sẽ chỉ là 24 USD. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ càng ngày, giá của các thiết bị WCDMA càng giảm, như vậy tỉ lệ phí bản quyền sẽ tăng lên; và nó sẽ đạt đến con số 4% như Qualcomm nói. Nokia đương nhiên là người chịu thiệt, do vậy họ đang muốn đàm phán lại tỉ lệ phần trăm phải trả. Theo dự tính, giá điện thoại WCDMA có thể sẽ giảm xuống dưới mức 300 USD vào cuối năm nay. Về phía Qualcomm, họ cho rằng chính Nokia có thể đã thực hiện việc trả phí bản quyền ít hơn là vì bản hợp đồng từ năm 2001, và họ sẽ đưa khả năng vi phạm này thông qua các kênh pháp lý, văn bản.
Theo ông Peter Olofsson, một phát ngôn viên của Ericsson đã nói: Các công ty có đóng góp cho công nghệ WCDMA đều đã thống nhất việc cấp quyền sử dụng công nghệ này một cách công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử. Họ đã thống nhất tổng chi phí cho tất cả các bằng sáng chế liên quan sẽ không vượt quá 10% chi phí sản xuất một chiếc điện thoại. Nhưng Qualcomm đang tính mức phí này cho các bằng sáng chế WCDMA, cũng như bằng CDMA2000 của họ, dù những đóng góp của Qualcomm cho WCDMA ít hơn nhiều. Olofsson cũng cho rằng, những điều khoản của Qualcomm không hợp lí.
Trong tháng trước, Chủ tịch Qualcomm Steve Altman đã dự đoán trước về cuộc tranh chấp này sau khi bản hợp đồng hết hạn, nhưng ông cho rằng, hai bên rồi sẽ đi đến được các điều khoản thỏa thuận cuối cùng. Cuộc tranh chấp này có vẻ sẽ không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, phát ngôn viên William Plummer của Nokia nói thêm. “Những đàm phán về giấy phép như thế này rất bình thường trong hoạt động kinh doanh. Các khách hàng cũng đều hiểu rằng, nó cần có thời gian để giải quyết”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những cuộc tranh luận này sẽ ảnh hưởng lớn tới người dùng và các nhà sản xuất thiết bị trong việc quyết định chi bao nhiêu tiền cho điện thoại WCDMA và góp phần quyết định đến tương lai của chuẩn điện thoại này sẽ kéo dài trong bao lâu. Nokia cho biết, họ đang tiếp tục thương thảo với Qualcomm. “Việc kinh doanh vẫn đang diễn ra bình thường, còn chúng tôi đang thảo luận thêm”, phát ngôn viên Anne Eckert của Nokia cho biết. Nokia sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi việc này để đạt được một thỏa thuận cuối cùng.
Tại sàn Chứng khoán New York, cổ phiếu của Nokia tăng 15% lên 23,69 USD, trong khi cổ phiếu của Qualcomm giảm 5% còn 42,73 USD tại sàn Chứng khoán Nasdaq.
Tiếp tục với những kiện cáo…
Trong khi việc đàm phán chưa kết thúc, Qualcomm đã đệ trình hai đơn kiện Nokia tại Mỹ về việc vi phạm bằng sáng chế, một ở Texas cho việc vi phạm 2 bằng sáng chế liên quan đến việc tải về các ứng dụng và nội dung số khác, thông qua hệ thống dữ liệu không dây GPRS/EDGE. Và một bằng khác ở Wisconsin cho việc vi phạm ba bằng sáng chế liên quan đến mã hóa giọng nói, được sử dụng trong một số mẫu điện thoại GSM.
Về phía Nokia, hãng bác bỏ công bố này của Qualcomm và phản công lại bằng tuyên bố cho rằng Qualcomm hiện đang sử dụng hơn 100 sáng chế của Nokia về GSM/CDMA và CDMA2000 trong các chipset của họ. Nokia vẫn có quyền yêu cầu Qualcomm và khách hàng của Qualcomm tôn trọng các quyền về sáng chế của Nokia. Những quyền này có giá trị quan trọng, và Nokia tin rằng, nó có thể sử dụng để phản bác lại bất kì luận điểm nào từ Qualcomm nhằm chống lại Nokia, thu thêm tiền từ các khoản phí cấp phép.
Nokia “chơi đẹp”?
Theo hợp đồng giữa Nokia và Qualcomm, nghĩa vụ trả phí của Nokia đã hết một phần hiệu lực vào ngày 9/4/2007. Tuy nhiên, Nokia vẫn tạm trả Qualcomm một khoản tiền 20 triệu USD cho phí bản quyền phát minh Quý 2/2007.
Nokia cho biết, số tiền này sẽ không tăng thêm, và cũng không liên quan đến hợp đồng cũ. Nó dựa trên hợp đồng cấp phép của Qualcomm đã đồng ý và cung cấp thông qua Viện tiêu chuẩn hóa Viễn thông châu Âu (ETSI - European Telecommunication Standardization Institute).
Giám đốc tài chính của Nokia, Rick Simonson, nói: “Trong khi hai bên vẫn đang đàm phán để có một bản hợp đồng mới, chúng tôi cho rằng, khoản tiền này là sự đền bù công bằng và hợp lý khi Nokia sử dụng các sáng chế của Qualcomm cho những điện thoại UMTS trong Quý 2/2007. Nokia tin rằng, danh mục sáng chế của Qualcomm phần lớn tập trung tại Mỹ, và có rất ít hoặc không có bằng sáng chế tại nhiều quốc gia bán các thiết bị UMTS của hãng. Khi các bằng sáng chế của Qualcomm được thanh toán hết phí vào ngày 9/4/2007, cổ phần của Qualcomm về tất cả những bằng sáng chế liên quan đến điện thoại UMTS Nokia sẽ giảm đáng kể”.
Nokia có ý định sẽ trả số tiền tương đương trong tương lai và sẽ có thông báo về những khoản phí này. Tuy nhiên, Qualcomm đã từ chối khoản tiền khi cuộc đàm phán chưa đi đến kết thúc. “Có một điểm quan trọng cần lưu ý rằng, đến ngày 9/4/2007, toàn bộ việc kinh doanh chip điện thoại của Qualcomm sẽ hết hiệu lực với các danh mục sáng chế về GSM, WCDMA và CDMA của Nokia. Và Nokia sẽ sử dụng tất cả những quyền hạn từ những danh mục này để bảo vệ mình trước những kiện tụng mới của Qualcomm”, Simonson kết luận.
Tổng Giám đốc Qualcomm - Paul Jacobs hy vọng Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ ra quyết định về vụ tranh chấp trước ngày 25/5. Ủy ban có thể bác bỏ, thay đổi hoặc chấp nhận các đề nghị. Tuy nhiên, ông Jacobs tin rằng, họ sẽ chấp nhận với quan điểm Qualcomm đã không vi phạm 2 trong số 3 bằng sáng chế, và không nên cấm việc nhập khẩu các sản phẩm của công ty. Mới đây, Qualcomm đã thắng trong một vụ kiện Erricsson và liên doanh Sony Ericsson về việc không đồng ý cách tính phí trả cho quyền phát minh của Qualcomm. Ngoài ra Qualcomm còn cho biết, thu nhập ròng trong Quý 2 của họ đã tăng 22% nhờ doanh số bán hàng tăng lên của chip điện thoại, cùng doanh thu từ phí cấp phép bản quyền công nghệ.
Luật sư Louis Lupin cho biết, vụ tranh chấp với Nokia cũng có một số điểm tương đồng cuộc tranh chấp nói trên cùng Sony Ericsson.
Vụ việc này chưa ngã ngũ. Dù bên thắng kiện là Nokia hay Qualcomm, sự phát triển của 3G cũng bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng đang đặt ra câu hỏi về tương lai của nó và đã thêm phần băn khoăn khi chọn một chiếc điện thoại hỗ trợ 3G nhưng không biết đến bao giờ mới có thể sử dụng được nó.
Các vụ kiện về vi phạm bản quyền
Tháng 11/2005:
Qualcomm và chi nhánh SnapTrack kiện Nokia Corporation và Nokia Inc. ra tòa án tại San Diego về việc vi phạm 11 bản quyền sáng chế của Qualcomm và 1 bản quyền của SnapTrack.
Từ tháng 5 đến tháng 10/2006:
Qualcomm tiếp tục kiện Nokia tại Anh, Đức, Pháp và Italia. Tòa án tại Anh khẳng định các sản phẩm của Nokia có chức năng GPRS và/hoặc EDGE vi phạm 2 trong số 3 bằng sáng chế của Qualcomm tại Anh. Tòa án tại Đức, Pháp và Ý cũng có kết luận tương tự.
Ngày 3/4/2007:
Qualcomm bổ sung đơn kiện Nokia tại Texas và Wisconsin (Mỹ) về việc vi phạm 3 bằng sáng chế liên quan đến điện thoại GSM/GPRS/EDGE của Nokia.
Các vấn đề liên quan đến Ủy ban thương mại quốc tế (ITC)
Ngày 9/6/2006:
Qualcomm yêu cầu ITC cấm nhập khẩu điện thoại Nokia và các sản phẩm khác có vi phạm các bằng sáng chế của Qualcomm. Ngoài ra, Qualcomm còn đề nghị không cho phép tiếp tục bán ra những điện thoại đã nhập khẩu.
Ngày 7/7/2006:
ITC tiến hành điều tra các hoạt động mua bán của Nokia liên quan đến những vi phạm bằng sáng chế như Qualcomm đã khiếu kiện. Tiếp đó, Qualcomm rút 2 trong số 6 bằng sáng chế khỏi danh sách.
Ngày 28/2/2007:
ITC ra quyết định tạm ngừng vụ kiện cho đến khi có thông báo mới.
Các thỏa thuận giữa Qualcomm và Nokia
Ngày 5/4/2007:
Qualcomm yêu cầu Hội đồng Trọng tài Mỹ (American Arbitration Association) có phân xử về việc Nokia tiếp tục sử dụng các sáng chế của Qualcomm trong những mẫu điện thoại CDMA và WCDMA sau ngày 9/4/2007. Qualcomm cũng đề nghị một quy định được bổ sung vào các thỏa thuận nhằm tránh việc Nokia có thể kiện lại Qualcomm sau ngày 9/4/2007.
Ngày 9/4/2007:
Nokia tự ý đề ra một khoản phí dự định trả cho Qualcomm cho những sản phẩm WCDMA mà Nokia sản xuất sau ngày 9/4. Nokia cũng cho rằng mức phí trả cho Qualcomm không nhiều hơn 3% cho những sản phẩm WCDMA trong năm 2007.
Ngày 10/4/2007:
Nếu Nokia tiếp tục sản xuất và bán những điện thoại di động có sử dụng các bằng sáng chế của Qualcomm, Qualcomm sẽ coi đó như việc Nokia tiếp tục kéo dài thỏa thuận cấp phép hiện tại và sẽ tiếp tục trả các khoản phí như các điều khoản trong thỏa thuận. Tuy nhiên, Nokia cho biết họ đề nghị trả một khoản phí là 20 triệu USD, như vậy có nghĩa là họ đã không thực hiện đúng các thỏa thuận đã có.
Ngày 12/4/2007:
Qualcomm từ chối khoản tiền 20 triệu USD của Nokia và các điều khoản thỏa thuận mà Nokia gửi kèm.
Theo Mobilenet