FPT lập Viện nghiên cứu công nghệ
Năm năm, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT được đầu tư 3,5 tỷ để nghiên cứu về ứng dụng CNTT, năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng; công nghệ sinh học và công nghệ vũ trụ.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình trao Giấy chứng nhận của Sở KH&CN Hà Nội cho Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT Trần Thế Trung.
Ngày 25/5, tại trường ĐH FPT, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT đã chính thức ra mắt. Viện được thành lập nhằm mục tiêu tạo ra môi trường gắn kết, thu hút và quy tụ nhiều “chất xám” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển các ngành công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà.
Được FPT tài trợ 100% vốn, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT do trường ĐH FPT trực tiếp quản lý có chức năng chính là nghiên cứu, phát triển khoc học công nghệ (KHCN) và đào tạo. Viện sẽ tiến hành những hoạt động nghiên cứu KHCN theo thỏa thuận, không chỉ với tập đoàn FPT mà còn với các cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo và tổ chức chuyển giao tri thức, thông tin, công nghệ, sản phẩm thuộc những lĩnh vực hoạt động nghiên cứu của Viện.
Trong năm trong năm 2010, Tập đoàn FPT dự kiến sẽ đầu tư 3,5 tỷ đồng cho hoạt động của Viện nghiên cứu Công nghệ FPT. Hiện nay Viện đang có hơn 10 dự án nghiên cứu, phát triển; trong đó có 2 nhóm dự án đã được triển khai là “Nghiên cứu vệ tinh nhân tạo” (Fspace) và “Xử lý ảnh”.
Cụ thể, v ới nhóm dự án nghiên cứu vệ tinh nhân tạo, Viện đặt mục tiêu sẽ hoàn thành một vệ tinh tư nhân đầu tiên của Việt Nam trong năm 2010 này. Ở nhóm dự án xử lý ảnh, đến nay Viện đã tiến hành thử nghiệm các nghiên cứu: công nghệ nhận diện khách hàng VIP khi đi vào khu tiếp tân giúp đơn vị chủ động trong khâu giao tiếp và tiếp đón khách hàng; hệ thống tự động nhận diện biển số xe, ra vé tự động; cải tiến thuật toán xử lý ảnh của y tế, tự động nhận ra các mô xương, mô máu, mô cơ trên ảnh chụp X-quang.
Tiến sĩ Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT nhận định việc thành lập Viện là bước tiến quan trọng sau hơn 20 năm phát triển của Tập đoàn FPT. “Với sự kết hợp giữa DN, nhà trường và KHCN, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT sẽ là điểm giao thoa, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành nơi nghiên cứu ứng dụng những phát triển vượt bậc về KHCN, phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước. Chúng tôi mong muốn sẽ sớm mang lại những công nghệ mới, áp dụng hiệu quả cho Việt Nam nói chung và FPT nói riêng”, ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho biết, thời gian tới, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT sẽ tập trung vào 4 hướng nghiên cứu gồm: ứng dụng CNTT; năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng; công nghệ sinh học và công nghệ vũ trụ.
Viện nghiên cứu Công nghệ FPT ký kết hợp tác với các đơn vị nghiên cứu
Tại lễ ra mắt, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT và 5 đơn vị nghiên cứu gồm: Viện nghiên cứu CNTT thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, The Vietnam Foudation, Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển phần mềm FPT thuộc FPT Software, Công ty CP Năng lượng dầu khí Châu Á (Asia Petro), Công ty CP Sinh học-Y học tái tạo FBM đã ký kết hợp tác trong các lĩnh vực: CNTT, sử dụng và phát triển chương trình tài nguyên giáo dục mở, phát triển các ý tưởng công nghệ, hỗ trợ xây dựng Hiệp hội nhiên liệu năng lượng tái tạo Việt Nam, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.
Theo ICTNews