Thị trường nội địa chính là 'bà đỡ' cho DN công nghệ
Dù thị trường toàn cầu là mơ ước, tham vọng nhưng Doanh nghiệp đều hiểu rằng: trước hết, "phải làm chủ thị trường trong nước và chinh phục được người tiêu dùng nội đã".
Viettel Campuchia đã khai trương mạng Metfone cách đây không lâu.
Xây dựng thương hiệu mạnh là mục tiêu của bất kỳ doanh nghiệp nào và với doanh nghiệp ICT cũng không là ngoại lệ. Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2010 của Bộ Thông tin & Truyền thông hồi tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: Việt Nam “phải có có doanh nghiệp và tập đoàn mạnh, có doanh nghiệp CNTT khi nói đến là họ biết đó là Việt Nam”.
Đây được đánh giá là một định hướng chính xác, kịp thời, nhiều kỳ vọng, sẽ đưa Việt Nam thay đổi thứ hạng nhanh hơn trên bản đồ thế giới. Một trong những mục tiêu lớn nhất của đề án Tăng tốc do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) soạn thảo là đưa Việt Nam đứng trong top 70 quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực CNTT vào năm 2015, và top 60 sau đó 5 năm.
Tại buổi tọa đàm Làm thế nào để xây dựng thương mạnh cho ngành CNTT-TT Việt Nam, các doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực CNTT-TT trong nước đã chia sẻ những ý tưởng, những khát vọng xây dựng doanh nghiệp mạnh.
Thị trường nội địa là “bà đỡ”
Mặc dù thị trường toàn cầu là mơ ước, là khát vọng của các doanh nghiệp nhưng trước mắt, họ đều khẳng định rằng, phải có sản phẩm tốt để người tiêu dùng trong nước chấp nhận được mới có cơ hội “đem chuông đi đánh xứ người”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng thương hiệu và văn hóa phải gắn với nhau. Văn hóa rất quan trọng để xây dựng thương hiệu và chính con người tạo nên thương hiệu. Theo ông, muốn thương hiệu của mình mạnh thì công ty đó phải tìm cho mình một sự khác biệt. Ông khẳng định thị trường trong nước là tài sản lớn nhất và là cái nôi nuôi dưỡng các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKIS “tâm sự” về những bước đi của BKIS để thu hút người dùng, đó là: vươn ra thế giới sau khi tạo được chỗ đứng trong nước. Ông Quảng đánh giá cao vai trò của người tiêu dùng mới, thậm chí theo ông, người tiêu dùng là yếu tố chính tạo ra thương hiệu. “CNTT là một ngành đặc thù, việc đầu tư vật chất ban đầu không lớn tuy nhiên phải đầu tư vào con người. Nếu có công nghệ gốc, có đội ngũ nhân lực tốt và có quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty hàng đầu thế giới. Sau 5 – 10 năm nữa chúng ta sẽ có 10 - 15 công ty phát triển ra toàn cầu”, ông Quảng kỳ vọng.
Còn ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành TBWA thì chia sẻ: “Không phải công nghệ tiên tiến nhất, sản phẩm mới nhất, tiên tiến nhất tạo nên thương hiệu. Yêu khách hàng thực sự mới tạo ra thương hiệu”.
Ra thế giới: đang chập chững những bước đầu tiên
Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ICT của Việt Nam đã đầu tư ra thị trường nước ngoài và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Trong lĩnh vực viễn thông, gần đầy Viettel đã đầu tư 99 triệu USD vào Haiti, trước đó, Viettel đã đầu tư vào Lào và Campuchia. Mục tiêu của Viettel đến năm 2015 sẽ đầu tư vào từ 10-15 nước với thị trường khoảng 500 triệu dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng tập đoàn này có cơ hội để thành công ở thị trường nước ngoài bởi: “với giá nhân công rẻ hơn, Viettel có thể kinh doanh được ở cả những thị trường có doanh thu trung bình trên thuê bao khoảng vài USD. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài họ chỉ kinh doanh ở thị trường có doanh thu trung bình mỗi thuê bao từ 10 USD trở lên”.
Sau những thành công ban đầu ở thị trường nội địa, ông Quảng cho biết, BKIS sẽ đem Bkav ra thị trường quốc tế vào tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty viễn thông An Bình cho biết các sản phẩm điện thoại thương hiệu Q-Mobile của công ty này đã chiếm 28% thị phần điện thoại trong nước cuối tháng 4/2010, đứng thứ hai sau Nokia. Ông Minh tiết lộ tham vọng vượt Nokia để trở thành doanh nghiệp đứng đầu thị trường điện thoại di động Việt Nam vào quý III năm tới.
Ông Minh cho biết công ty này đang tính đến kế hoạch mở rộng thị trường sang các nước có điều kiện tương tự Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanma và các nước châu Phi.
Trước đó, FPT Telecom cũng đã bắt đầu “bán băng thông” tại Campuchia từ cuối năm 2009.
Đầu năm 2010, VTC ra mắt Công ty truyền thông trực tuyến Campuchia (VTC Online Cambodia) và giới thiệu những dịch vụ, sản phẩm đầu tiên. Trong năm 2010, VTC dự kiến sẽ mở thêm 4 chi nhánh tại các thành phố Siem Reap, Battambang, Preah Sihanouk và Kampong Cham.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp như: miễn thuế thu nhập với các lao động chất lượng cao thuê từ nước ngoài; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại ra thị trường nước ngoài… Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh và tạo dựng thương hiệu mạnh ICT Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo VietnamNet