Thị trường di động VN nửa đầu năm 2007
(Theo Mobilenet) - Tính cho đến thời điểm này của năm, thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) đã trải qua nửa chặng đường phát triển. Trong khi thị trường hand-set khá bình lặng thì sóng gió đang bắt đầu nổi tại thị trường phân phối, bán lẻ ĐTDĐ. Bản thân các nhà mạng cũng đang đối mặt với thử thách “cháy số”, còn những “tân binh” như các hãng hand-set “small-name” hay HT mobile để lại dấu ấn không hề mờ nhạt chút nào trên thị trường.
Các hãng hand-set vẫn “bình chân”
Theo chu kỳ phát triển và chiến lược tung sản phẩm của các hãng hand-set, giai đoạn 6 tháng đầu năm thường là giai đoạn để các hãng ĐTDĐ lớn tập trung phát triển sản phẩm chứ chưa phải là để cạnh tranh quyết liệt. Đó là lí do tại sao các hãng ĐTDĐ trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào việc chạy đua giới thiệu sản phẩm mới. Tuy thị trường có yên ả nhưng đôi khi vẫn có những đợt “rung chấn” nhỏ do các sản phẩm mới của các hãng tung ra. Nokia, Samsung và Sony Ericsson trong nữa năm qua tỏ ra khá nhiệt tình trong việc chạy đua nhau giới thiệu sản phẩm mới. Những “chú dế” mới dĩ nhiên vẫn thuộc về các tên tuổi như Nokia, Samsung và Sony Ericsson.
Vẫn như các năm, Nokia tung vào thị trường khá nhiều model cao cấp cho nữa đầu năm. “Gia đình N-series” có thêm các thành viên mới như: N76, N77, N95, E-series có thêm E65, rồi Nokia 5700, 8600 Luna, 8800 Sirocco Gold cho phân khúc cao cấp. Bên cạnh đó cũng xuất hiện thêm model trung cấp là 6300 và 3110 Classic. Trong đó, Nokia đã thành công khá rõ với một số dòng như 6300, N95 với một số điểm nhấn rõ rệt như: thiết kế siêu mỏng đầu tiên hay máy ảnh số 5 megapixels hay chức năng định vị toàn cầu GPS. Bên cạnh đó, Nokia vẫn giữ vững vị thế của mình bởi nhiều model khác bán rất chạy trên thị trường. Trên các phân khúc giá rẻ, Nokia 1110i, 6030 vẫn là những chiến binh xuất sắc của Nokia góp phần lớn vào việc Nokia giữ vững thị phần phân khúc cấp thấp- phân khúc gần như quyết định ngôi vị thị phần.
Samsung thì đầu tư nhiều hơn cho dòng phổ thông với các model như C140, C160, C170, C260, C300, X520, X540… Nhờ có sự thay đổi về chiến lược sản phẩm này mà Samsung đã ít nhiều dành lại thị trường mình từng đánh mất trong tay Motorola. Samsung tỏ ra ngày một mạnh hơn và điều đó cũng đồng nghĩa với việc Motorola không còn có được vị thế như xưa.
Trong nửa đầu năm qua, Samsung tiếp tục một lần nữa “đánh bóng” thêm cho dòng Ultra Edition bằng cách làm mới bộ sưu tập Ultra Edition đầu tiên và cho ra mắt thêm bộ Ultra Edition thế hệ thứ hai. Samsung tuy chưa có nhiều thành công đột phá nhưng họ vẫn kiên định với con đường mình. Motorola với một loạt thất bại ở các model cao cấp như K1, Z3, E6… , đến các sản phẩm thuộc dòng trung cấp và phổ thông cũng không khá gì hơn. Dường như hãng này vẫn chưa tìm được một cách thể hiện thuyết phục nào từ họ.
Về phần Sony Ericsson, họ gần như cố gắng rất nhiều, tung hàng lọat sản phẩm và vẫn đặt tâm điểm vào các dòng điện thoại cao cấp là chính. Sony Ericsson đã tung ra một lọat model: K550, K800, K810, W880, W610, W200, K320. Trong đó chỉ có K320 và W200 là nằm ở phân khúc trung cấp . Như năm trước, Sony Ericsson đã cho vào rất nhiều dòng sản phẩm như họ vẫn chưa cho thấy được tính hiệu quả rõ ràng của các model trên. “Siêu phẩm” P990 của Sony Ericsson dù giảm giá rất nhiều nhưng vẫn chưa được khách hàng chọn lựa. Một dấu ấn quan trọng của 6 tháng qua chính là 2 đợt giảm giá liên tục khá gần nhau. Nhờ 2 đợt giảm giá lớn này mà nhiều model đã bán chạy hơn nhờ mức giá giảm. Thu lợi nhiều nhất vào chuyện này vẫn là Nokia vì một lọat các model của Nokia đã bán rất tốt như: 6030, 6300, N70 ME, N73 ME, 6070…
Chúng ta vẫn không thể bỏ qua việc xuất hiện các thương hiệu ĐTDĐ. Có hai thương hiệu mang vóc dáng “small-name” kiểu I-mobile đã xuất hiện khá đình đám là Mobell và Bapaven, thương hiệu Wellcom cũng bắt đầu đánh rộng hơn. Từ đây báo hiệu một cuộc chiến mới giữa các thương hiệu mới có thể sẽ rầm rộ và 6 tháng cuối năm nay.
Thị trường phân phối biến động
Ngay từ đầu năm, thông tin về việc Công ty CP DV Du lịch Dầu khí Petrosetco sẽ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh ĐTDĐ đã khiến thị trường phân phối ĐTDĐ ở Việt Nam bắt đầu được hâm nóng. Tuy sau đó, mãi đến cuối tháng 5 Petrosetco mới chính thức gia nhập thị trường với việc trở thành nhà phân phối chính thức của Nokia, nhưng giới kinh doanh đã có những nhận định tốt về tình hình này. Các đại lý bán lẻ trong nước đều tỏ ra phấn khởi trước sự kiện Nokia chọn thêm cho mình một nhà phân phối tại thị trường Việt Nam.
Rõ ràng, tuy là tân binh trong lĩnh vực công nghệ, nhưng Petrosetco (mà đơn vị kinh doanh trực tiếp trong lĩnh vực này là Công ty viễn thông dầu khí PV Telecom) lại có tiềm lực về tài chính mạnh mẽ. Cũng đồng thời với sự xuất hiện của PV Telecom, các cửa hàng bán lẻ sẽ có thêm lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm Nokia tại thị trường này. Thị trường phân phối có sự cạnh tranh, các đại lý bán lẻ sẽ được hỗ trợ tốt hơn và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này.
FDC (công ty phân phối FPT) hiện nay gần như độc quyền sản phẩm Nokia tại Việt Nam, chiếm tới 80% doanh số của hãng điện thoại này trong năm 2006. Chính vì vậy, sự xuất hiện của PV Telecom được dự báo sẽ đẩy cuộc cạnh tranh phân phối điện thoại di động lên mức cao hơn.
Nếu như Nokia đã mở rộng các đối tác phân phối của mình bằng cách chọn thêm PV Telecom thì đầu năm 2007 Motorola cũng chọn thêm Thành Công làm nhà phân phối. Nhưng chưa đầy 6 tháng sau đó thì nhà phân phối này lại “cuốn cờ lui quân”. Có lẽ, Thành Công Mobile là nhà phân phối “chợt đến chợt đi” nhanh nhất. Gần đây, họ còn làm phân phối cho I-mobile và sản phẩm mới của Trung Quốc là ĐTDĐ Bapaven
Thị trường bán lẻ xáo trộn
Một sự kiện khá “sốc” và gây xôn xao dư luận nhiều nhất trong thời gian qua đó là sự biến mất của chuỗi siêu thị bán lẻ Nettra. “Cơn lốc màu cam” này đã không một lời từ biệt khi nhanh chóng đóng cửa toàn bộ hệ thống của mình chỉ sau hơn 1 năm hoạt động. Hơn 1 năm “làm mưa làm gió” một cách hoành tráng trên thị trường bán lẻ, nhưng Nettra thực chất chưa hề đạt được cho mình một vị thế lớn khi xây dựng một chuỗi mô hình kinh doanh không phù hợp với sản phẩm kinh doanh là ĐTDĐ và các dịch vụ đi kèm; bên cạnh đó là những sai lầm trong việc quy hoạch điểm bán và quản lý nhân sự. Tuy thất bại, nhưng Nettra cũng đã để lại dấu ấn về mô hình kinh doanh mới, mô hình chuỗi bán lẻ POS.
Khi “chuỗi siêu thị màu cam” biến mất, một số đơn vị tương tự thu nhỏ dần thì Viễn Thông A và Thế Giới Di Động ngày càng mở rộng quy mô. Cả 2 siêu thị ĐTDĐ này trong thời gian qua không ngừng mở thêm nhiều chi nhánh mới. Thế Giới Di Động vừa được quỹ đầu tư Mekong Capital thông qua mức đầu tư tối đa 4,5 triệu USD. Số tiền này là một khoản đáng kể nhưng không phải là con số quá lớn, chưa kể Mekong Capital sẽ đầu tư vào siêu thị này theo lộ trình từ 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, nó cũng phần nào nói lên được sự quan tâm của các “đại gia” có tiềm lực tài chính kinh tế hùng hậu vào thị trường bán lẻ.
Sẽ là thiếu xót nếu bỏ qua hệ thống bán lẻ của Viettel, hiện tại Viettel chưa thể hiện được sức mạnh rõ ràng nhưng về tiềm năng của đơn vị này thì không ai có thể phủ nhận. Với lợi thế là một “đại gia” viễn thông của Quân đội, và lợi thế về dịch vụ mạng, việc tiến quân của Viettel vào thị trường bán lẻ thể hiện rõ tham vọng muốn chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này. Một mô hình kinh doanh tích hợp trọn gói từ dịch vụ mạng đến bán lẻ thiết bị đầu cuối là điều mà giới kinh doanh đã nhìn thấy rõ.
Cùng với hệ thống bán lẻ FPT Retail được xây dựng từ cuối năm ngoái của FPT, những siêu thị bán lẻ của các “đại gia” trên đang góp phần làm cho thị trường bán lẻ vốn chưa bao giờ được yên tĩnh càng thêm...xáo trộn trong thời gian tới,
...và “nhà mạng” bị “cháy kho số”
“Vấn nạn” mua sim mới thay cho nạp thẻ cào- hệ lụy của những đợt khuyến mãi theo kiểu “ bom tấn” của các mạng viễn thông VN trong thời gian trước đây đã dẫn đến việc: “thiếu số, thừa sim”. 3 mạng GSM trong thời gian vừa qua đã phải đồng loạt “kêu cứu ” Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa thôi, kho số sẽ bị “cháy”. Đến đây, 2 vấn đề lớn được đặt ra cho các nhà cung cấp mạng đó là: việc mở rộng thêm đầu số để cung cấp cho thị trường, và việc quản lý thuê bao ĐTDĐ trả trước.
Về việc mở rộng thêm đầu số, các bên đang cân nhắc giữa việc tạo thêm mã mới hay tăng độ dài số thuê bao. Nhưng mới đây nhất, trong cuộc họp báo tại Bộ Bưu chính-Viễn thông, Bộ đã có quyết định sẽ áp dụng phương án: cấp mã mạng mới theo phương án đa mã mạng chứ không thực hiện tăng thêm độ dài số thuê bao. Lãnh đạo Bộ cũng cho biết sẽ cấp thêm dải số di động 01 cho các thuê bao hòa mạng mới của cả ba mạng, trong khi dải số thuê bao cũ 09.xxxxxxxx, vẫn được giữ nguyên độ dài 10 số, thay vì tăng độ dài thuê bao di động lên 11 con số cho 20 triệu thuê bao đang hoạt động trên mạng.
Việc sử dụng phương án đa mã mạng có ưu điểm là không bắt buộc người hiện đang sử dụng dịch vụ di dộng phải đổi số của mình và doanh nghiệp không phải đánh số song song cả hai hệ thống thuê bao cũ và đổi số thuê bao mới như trong phương án kép dài số thuê bao. Đây cũng là một trong những phương án quan trọng của đơn vị chủ quản để thắt chặt quản lý các thuê bao di động trả trước vốn đang được “thả lỏng”.
Bù đắp lại các điều trên, các mạng điện thọai di động trong nửa đầu năm qua bắt đầu tăng cường nâng cấp để phát triển các dịch vụ mới. Viettel đã chính thức công bố phủ sóng GPRS toàn quốc, các đơn vị khác cũng có kế họach phát triển lên mạng 3G. Hay HT-mobile và Sfone cũng đã giới thiệu rất nhiều dịch vụ giá trị gia tăng dựa vào việc truyền tải dữ liệu dung lượng cao trên điện thọai di động. Lọai hình Internet Mobile cũng được các nhà cung cấp mạng tăng cường phát triển. Đây chính là tín hiệu vui cho người tiêu dùng bởi nhiều người mua mobile xịn nhưng dùng chưa hết tính năng.