Chợ “dế Tàu” trên đất... " ta"
(Theo Mobilenet) - Theo con số thống kê của Bộ Công nghệ thông tin Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2007, các nhà sản xuất nội địa nước này đã xuất xưởng gần 226 triệu máy điện thoại di động, tăng 33,7% sản lượng so với cùng kỳ. Và một lượng “dế” không nhỏ trong số đó, đã được chuyển sang Việt Nam qua các chợ cửa khẩu...
“Vương quốc” của hợp chủng... “dế”
Móng Cái là một trong những cửa khẩu sầm uất nhất miền Bắc, với hơn 8 vạn dân, và 3 chợ chính. Hai Trung tâm Thương mại lớn khác là chợ hàng điện - điện tử Togi và chợ Vinh Cơ với hàng trăm gian hàng tuyệt đại đa số chỉ bán duy nhất máy và linh kiện ĐTDĐ.
Thôi thì cơ man nào là ĐTDĐ “made in China”. Số điện thoại này được phân chia làm nhiều loại. Hàng chính hãng do Trung Quốc sản xuất như CECT, Elitek, Bandshine... có xuất hiện nhưng rất hiếm. Tuyệt đại đa số là hàng "thường" (hàng nhái): các loại điện thoại MP4, nhái các mẫu mã thịnh hành của Nokia, Samsung, Motorola..., không có nhãn hiệu hãng sản xuất, (chỉ đề Mp4, hoặc Mobile TV... hoặc các nhãn hiệu trời ơi đất hỡi kiểu Nokia, Sanshen, Motochina...) được nhập chủ yếu từ Quảng Đông, Thâm Quyến. Cuối cùng là một số ít hàng "lướt": các loại điện thoại cũ được các cơ sở sản xuất nhỏ bên kia biên giới nhập về, sửa chữa, chắp vá, thay vỏ mới, dán tem và bán lẻ ra thị trường như hàng mới.
Trung tâm thương mại Việt Trung nằm trên một diện tích cỡ 3.000m2, 3 tầng chính, hầu hết đều bán ĐTDĐ và các linh kiện đi kèm hiệu China.
Chúng tôi thực sự "hoa mắt" trước hàng loạt "dế Tàu" trong hình dáng O2 Mini đen bóng, Nokia N70, N80, N91, Sony Ericsson W800i, Motorola V3 Gold lung linh... hầu như không sai biệt về hình dáng, với đầy đủ các tính năng giải trí: chụp hình, nghe nhạc, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài, loa ngoài...
Nhưng những mẫu bán chạy nhất tại các cửa hàng ĐTDĐ ở Móng Cái hiện tại là các loại điện thoại tivi. Tính năng xem TV analog truyền thống, được tích hợp thẳng vào máy, cho phép xem truyền hình mà không cần phải trả chi phí nào cho nhà cung cấp dịch vụ...
“Dế độc” lên ngôi
Ở “trung tâm phân phối ĐTDĐ” Móng Cái, hệ thống các cửa hàng bán lẻ được hình thành theo kiểu “trăm hoa đua nở”, mạnh ai người đó phát triển. Tuy nhiên, ngoài những mặt hàng quen thuộc hầu như không một cửa hàng nào là không có một mẫu mã riêng theo kiểu... “không ai giống ta”.
Tại cửa hàng bán lẻ trên phố Trần Phú, A Cang, tên của anh thanh niên chủ cửa hàng người Trung Quốc, mau mắn giới thiệu cho tôi một chiếc điện thoại khá lạ mắt: Máy có màn hình cảm ứng, “chọt chọt” bút hay tay đều khá nhạy; loa ngoài khi nghe ở âm lượng lớn có vẻ khá hơn nhiều so với các máy được bày bán ở đây, ngoài ra còn xem được truyền hình analog... Điểm nhấn khá đặc sắc là vỏ được làm bằng gỗ, bàn phím ngoài khá chắc chắn, bấm phím có độ nảy. Dù thân hình đồ sộ với vỏ gỗ tuy có được chế tác hơi thô sơ và trông "dại dại", “con dế” này quả là cũng đã “níu” mắt được người nhìn.
“Điện thoại này có tên là gì?”- Tôi tò mò hỏi.
“Anh muốn gọi nó tên gì cũng được.” - A Cang trả lời tỉnh bơ bằng một giọng tiếng Việt rất sõi -
“Nhưng nó là "hàng độc" đấy vì do tôi trực tiếp đặt thợ gia công chế tác. Không phải cửa hàng nào cũng có vì ngoài những mẫu hàng đại trà được gia công chung, những mẫu được chế tác theo “nhu cầu” của chủ đơn hàng hay đơn giản là do “cảm hứng” của thợ là rất ít và hiếm.”
“Giá cả thế nào?”
Cậu thanh niên cười, nhẹ lắc đầu và cho biết: những điện thoại “độc” theo cách hiểu này đắt không kém hàng Trung Quốc chính hãng. Thường thì có giá dao động từ 800-1500 tệ (tương đương với khoảng 1,6 triệu - 3,1 triệu đồng tiền Việt).
Rất nhiều dân chơi công nghệ đã lặn lội đến tận đất này cũng chỉ để săn cho được những con “dế độc” kiểu như trên. Có khách còn lưu lại cả số điện thoại để ngay khi có hàng, A Cang sẽ gọi điện thông báo cho họ biết - một kiểu “pro- service” đang phổ biến ở khá nhiều cửa hàng chợ vùng biên này.
Mặt khác, khách quen có thể được dẫn vào cơ sở sản xuất gần ngay đó, chọn mẫu trong các thùng mainboard, gắn thêm cổng USB hoặc chip xử lý hình ảnh, sau đó tự chọn vỏ, yêu cầu phần mềm là có ngay một mẫu “dế” ngon lành. Muốn gắn tên gì vào làm model cũng được, thậm chí tên của... chính mình. Đó cũng là "công nghệ truyền thống" để “xào nấu” ra tất cả các “anh hùng vô danh” được bày bán tại đây.
Tiểu thương và... tiểu xảo
Tại một điểm bán lẻ khác, tôi khá bị ấn tượng bởi những mẫu điện thoại "hợp chủng... loại", kiểu nắp sau có logo Sony Ericson, mặt trước in kèm nhãn hiệu Samsung còn tên model máy thì lại là... N93 và giá chỉ có 1,8 triệu đồng. Nắm bắt được ngay sự hứng thú của tôi với mẫu điện thoại này, chủ cửa hàng đon đả lựa đại lấy một “chú dế” và chào hàng.
“Con này bảo hành thế nào chị?” - Tôi hỏi, giọng thoáng vẻ nghi ngại.
“Yên tâm đi, bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 1 tháng!”-
Chưa kịp nói tiếp thì tôi đã bị một anh bạn trong đoàn, vốn là dân Móng Cái gốc, kéo vội đi. Vừa đi, anh vừa giải thích:
“Đừng để bị dụ! Chiêu đó cũ mèm rồi. Khi bán hàng ai cũng nói như vậy hết. Nhưng thực tế, với mức giá chỉ khoảng 1,5- 2,5 triệu đồng, và chủ yếu bán cho khách du lịch, tỉ lệ phải đổi máy mới cho khách hàng là rất thấp, do ít người đủ kiên nhẫn đi hàng trăm cây số ra đây đổi máy khi có hỏng hóc”...
Quả thực, đấy mới chỉ là tiểu xảo chào hàng rất... phổ thông ở khu chợ vùng biên này. Lần này thì đến lượt anh Vũ Văn Hoàng, chủ cửa hàng bán lẻ điện thoại tại 75B Trần Phú - Móng Cái, chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi: Khi đi mua điện thoại ở Móng Cái, chủ hàng nào cũng đưa ra vài mẫu lạ mắt và giới thiệu là hàng nhà nước, hàng xuất khẩu... "Nếu muốn thực sự mua hàng, chỉ nên hỏi các mẫu điện thoại có Bluetooth. "Vì chắc chắn một điều là tất cả các mẫu điện thoại giá rẻ của Trung Quốc đều không có tính năng kết nối Bluetooth, cho dù các tính năng thời thượng khác đều có đủ." - anh Hoàng nói chắc nịch.
Anh Hoàng cũng cho biết: điện thoại Trung Quốc hay hỏng nhất là cáp (đối với các loại nắp trượt hoặc nắp gập) sau đó là lỗi ăn nguồn, sóng yếu và lỗi phần mềm.
"Hỏng cáp thì dễ thấy, còn lỗi phần mềm thì thường thử bằng cách lắp nhiều thẻ nhớ khác nhau vào xem máy có đọc dễ dàng không; và “copy” đi “copy” lại các dữ liệu trong thẻ nhớ cũng như di chuyển các file từ thẻ nhớ vào máy... để kiểm tra. Khó nhất vẫn là kiểm tra lỗi ăn nguồn và sóng yếu, vì phải có máy đo mới chính xác."
Anh Hoàng khẳng định, loại máy đo nguồn và sóng cho điện thoại chỉ có giá vài trăm ngàn, và hầu hết các cửa hàng bán điện thoại đều trang bị. Khách chỉ cần yêu cầu chủ hàng đưa máy vào kiểm tra. Nếu máy có giá trị khoảng từ 2,5 - 4 V cho đồng hồ nguồn, và khoảng từ 4 - 5 RF cho đồng hồ đo sóng (khi gọi số SOS hoặc lắp sim gọi thử) là ổn.
Nhiều người cũng nhắc chúng tôi khi mua máy nên xem thật kỹ màn hình: đưa máy vào góc tối và để chế độ sáng cao nhất, nếu thấy các vết đen mờ, hoặc các chấm nhỏ, vùng sáng khác biệt... thì hãy nên nghi ngờ. Các dấu hiệu này có thể khiến màn hình máy bị một vết kẻ ngang một thời gian sau đó, hoặc một chấm đen cứ to dần và sau đó thì màn hình chết luôn.
“Dế Tàu" vẫn “Nam tiến”?
Các loại điện thoại Trung Quốc ở Móng Cái đa phần không rõ nguồn gốc xuất xứ, song thật khó mà đổ lỗi cho cơ quan chức năng tại đây. Ngoài những khó khăn trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Anh Liên, chủ một hiệu bán điện thoại khác giải thích: “Kiểm tra xử lý gắt gao quá như cách đây vài tháng, hàng loạt các chủ hàng người Trung Quốc đã rủ nhau bỏ về nước không kinh doanh nữa. Điều này không những ảnh hưởng lớn đến thị trường mà còn ảnh hưởng chính sách khuyến khích giao thương phát triển kinh tế vùng biên.”
Không chỉ “bành trướng” ở Móng Cái, “dế Tàu” còn tiến rất sâu vào thị trường nội địa VN. Một chủ hàng ở chợ Vinh Cơ cho biết, tháng nào cũng có rất nhiều chủ cửa hàng điện thoại từ Hà Nội, Hải Phòng... ra lấy hàng của anh với số lượng lớn.
Công bằng mà nói, “dế Tàu” hay còn gọi là điện thoại Trung Quốc cũng có những mặt tích cực của nó như: giá cả phải chăng (1,5 - 2,7 triệu đồng) trong khi có đầy đủ các tính năng mở rộng: chụp ảnh, quay video, nghe nhạc với thẻ nhớ hỗ trợ, xem tivi, màn hình cảm ứng... Các sản phẩm này, ở một mức độ nào đó, đã thêm lựa chọn phong phú cho người dùng ĐTDĐ, đặc biệt là sinh viên, giới công nhân các khu công nghiệp hoặc vùng nông thôn...
Tất nhiên, tiền nào của ấy, chất lượng không đảm bảo và những phiền toái khi sử dụng điện thoại Trung Quốc cũng quá nhiều. Điều quan trọng là khách hàng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút ví.