Di động... lên núi
(PV News Daily) - Chuyện điện thoại di động về tới những bản làng xa xôi hẻo lánh của vùng núi Tây Bắc không còn là “mơ ước” nữa. Bà con dân tộc nhiều người đã biết đến “cái di động” là để gọi, nghe, nhắn tin, thậm chí là nghe nhạc… Nhưng không phải, vùng nào sóng di động cũng có thể về đến tận nơi như lý thuyết.
Kí ức về những ngày “di động bỏ không” vì không có sóng trong chuyến đi thực tế về “An toàn khu” Thái Nguyên của tôi ngày này năm ngoái vẫn còn rõ nét. Nhưng trên đường lên với đại ngàn Tây Bắc lần này, hình ảnh một số chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số vừa ngồi trên xe máy vừa líu lo nói vào chiếc di động đã khiến tôi ngạc nhiên và xúc động. “Chúng nó đi chợ huyện về đấy. Nhiều đứa nói tiếng Tây như gió, còn có tới cả 2 cái điện thoại dắt túi cơ”, một chị đi cùng thì thầm vào tai tôi.
“Cho tiền nhá!”, cô gái người dân tộc “ngã giá” khi thấy tôi ngỏ ý muốn xem chiếc điện thoại của cô và xin được chụp ảnh. “Bao nhiêu”? - “Hai nghìn”. Cô gái chìa chiếc điện thoại ra cho tôi xem. Đó là một chiếc Nokia 3120 đã cũ mà một ông khách “người Tây” cho cô. “Thế có biết sử dụng nhiều không?” - Tôi hỏi. “Chỉ biết nghe thôi” - Cô gái trả lời bằng chất giọng lơ lớ người Kinh.
Tôi gặp A Sáng, một người dân tộc Mông đang cùng vợ con đi mua đồ tại thị trấn Sapa. Anh móc trong túi ra chiếc điện thoại di động Nokia 1600 màu đen, nụ cười tươi nở dưới vành mũ phớt: “Có cái tin nhắn, phải viết ra đây đã, không quên mất” - anh chàng nói rồi ngồi thụp xuống, lấy giấy bút ra, kêu đứa con lớn đọc to để mình ghi lại. Thấy tôi ngạc nhiên, A Sáng cười: “Cái này về nhà phải cất đi không dùng nhiều nó nhanh hỏng, còn ghi ra giấy về lúc nào cũng đọc được”. A Sáng cầm lấy cái máy nhắn lại cho bạn rồi cất kỹ vào trong túi vải đeo trên người. Máy ảnh bị hết pin, tôi lấy chiếc Nokia 7610 của mình ra chụp hình A Sáng để ghi lại một chút kỉ niệm. Lật đi lật lại chiếc điện thoại của tôi, A Sáng nói: “Có biết cái này. Hôm trước xuống chợ huyện cũng có người cho xem rồi nhưng không biết dùng. Nó toàn tiếng Tây thôi mà mình thì không biết cái đó. Nhưng mà họ nói là nhanh hết pin lắm, ở chỗ mình ít điện nên không thích dùng”. “Cho tôi số điện thoại của anh được không?” - Tôi nói. A Sáng hồn nhiên: “Không biết cái số là gì đâu. Hôm trước mua, người bán cái này có ghi cho cái số đó vào giấy, mình để ở nhà rồi”. Tôi đành mượn cái máy của A Sáng và bấm số gọi vào máy của mình. Cả 4 vợ chồng con cái anh đều rạng rỡ, hân hoan nhìn cái điện thoại của tôi kêu inh ỏi, phát ra “cái tiếng gì lạ lạ” (bài hát nhạc chuông của tôi - pv) và hiện lên con số điện thoại đầu 0978 của A Sáng.
Trên đường từ thị trấn Sapa về bản, tôi gặp A Luông, một chàng trai người Mông 25 tuổi đang say sưa với chiếc điện thoại MP4 của mình dưới chân đèo về bản Phùng. A Luông cho biết chiếc điện thoại này anh mua cách đây 2 tháng trong 1 lần đi chợ huyện. Dù không biết nhiều về cái chữ, nhưng được chủ cửa hàng chỉ cho vài bước cơ bản, A Luông đã có thể mở điện thoại, nghe nhạc và nhắn tin. Kiểm tra trong danh bạ điện thoại của anh, tôi chỉ thấy lưu số của một vài người. “1 tháng dùng cái này có hết nhiều tiền không” - Tôi hỏi. A Luông châm điếu thuốc rồi bảo: “Không nhiều, mua 1 cái thẻ 50 nghìn thôi”. Kiểm tra trong tài khoản của A Luông, tôi thấy còn 36 nghìn nhưng thời gian nghe và gọi đã hết từ cách đây nửa tháng (dùng gói cước Economy của Viettel). “Máy còn tiền nhưng không nghe gọi được nữa. Sao không nạp thêm tiền?” - tôi hỏi. “Không biết nạp. Chỉ khi nào ra thị trấn, ra cửa hàng người ta làm cho thôi” - A Luông thật thà trả lời.
Như vậy, những chiếc điện thoại di động đã về được tới tận bản làng của bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa. Dù số lượng chưa nhiều, nhưng đó là những tín hiệu vui cho thấy cuộc sống ở những nơi vùng sâu, vùng xa đã bắt đầu tiếp cận với ánh sáng công nghệ hiện đại. Theo đó, một thị trường tiềm năng cũng đang hé mở, nhưng để bà con dân tộc có thể thực sự làm chủ và khai thác đúng hướng thì vẫn còn là một là một chặng đường dài…
“Có biết dùng, nhưng không có sóng”
Tại thị trấn Sapa, sóng di động của các mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone đều có thể hoạt động được bình thường. Nhưng do số lượng trạm phát sóng của các mạng này đặt ở đây không nhiều nên vào những ngày cuối tuần, khách du lịch đông, trạm BTS không thể đáp ứng hết được nhu cầu của khách. Do đó mà hiện tượng “chồng chéo” giữa các mạng vẫn thường xảy ra. Tuấn, một chàng trai người Hà Nam lên đây lập nghiệp, cho biết: “Sóng ở đây phập phù lắm. Viettel hôm nay “đai” (tức die: chết – pv). Hôm qua thì cả Vina và Mobi đều “dính chưởng”. Vào phòng là đố máy nào còn sóng”.
Từ Sapa về các bản, Bản Hồ, bản Dền, bản Phùng… cách trung tâm thị trấn chừng 30 km dường như chỉ còn sóng di động của Viettel, bởi giữa ngã ba về Bản Hồ và Thanh Kim có 1 trạm BTS của Viettel. Các mạng còn lại đành “an phận” đợi về đến thị trấn nhận “thông báo cuộc gọi lỡ”. Đó là lý do vì sao mà hầu hết những người dân vùng núi này lại chọn Viettel để dùng chứ không phải là các nhà mạng khác. Hỏi những người dùng di động tại đây thì đa phần biết đến Viettel, rồi mới đến Vinaphone, MobiFone. Còn khi hỏi đến các mạng CDMA như S-Fone, HT Mobile, EVN thì chỉ nhận được những cái lắc đầu “không hiểu”.
Trên thị trấn, người ta dân đã khá quen thuộc với cái “di động”. Nhiều chàng trai, cô gái người Mông, người Dao rời bản ra thị trấn “làm ăn” cũng đã có cái “alô” dắt túi. Đi sâu vào các bản, chỉ có nhà nào có người hay đi chợ huyện, buôn bán với bên ngoài mới dùng di động. Điều này không hẳn do kinh tế còn quá khó khăn, mà do nếu không đi lên thị trấn, có tiền, mua di động về cũng chỉ để thay radio, nghe nhạc là chính chứ mấy khi được “alô” được vì “cái sóng” ít quá. “Có gia đình đi bán thảo quả được 13 triệu, ra thị trấn mua liền mấy chục cân thịt về ăn. Hai vợ chồng cứ đứng ngắm mấy cái điện thoại, cầm lên rồi lại hạ xuống hẹn khi nào cái sóng nó về đến bản thì mua” - Anh Tuấn chia sẻ.
Trên đường từ bản Phùng về, trời bỗng nổi cơn mưa sầm sập. Thấy tôi lấy điện thoại ra định gọi về thị trấn Sapa, A Luông bảo: “Ở đây khó gọi lắm. Muốn gọi phải chạy lên tận cái đỉnh núi kia kìa”. Nói rồi A Luông chỉ tay về phía mấy ngọn núi cao cao phía trên. Mấy bản này nằm trong thung lũng nên sóng di động gần như không thể tới. Chỉ duy có trạm BTS của Viettel thỉnh thoảng mới đặt tại đây nhưng chất lượng sóng cũng “cắc bụm” là chuyện thường. Còn Vinaphone, MobiFone, HT Mobile… mặc dù trên lý thuyết là đã phủ sóng toàn quốc nhưng chất lượng sóng hầu như không thể đến được những vùng xa xôi này. Mỗi lần muốn gọi điện lên thị trấn hỏi thăm tình hình giá cả thị trường thế nào, A Luông và mấy đứa trẻ lại phải trèo lên tận ngọn núi cao nhất để gọi.
Bao giờ “sóng” mới phủ núi?
“Chất lượng sóng” tại các bản chưa tốt đã khiến cho nhiều bà con muốn dùng di động nhưng cũng không dám mua. Đó là lời nhận định của nhiều chủ cửa hàng điện thoại tại Sapa. Anh Sơn, chủ 1 cửa hàng điện thoại trên phố Xuân Viên cho biết bà con ở đây chưa được tiếp xúc nhiều nên cứ là “di động” là thích rồi chẳng nề hà loại rẻ, loại đắt, hàng tàu hay hàng công ty… Giá của điện thoại chính hãng, trên này đắt hơn dưới xuôi vài chục nghìn do “công vận chuyển”, nhưng giá điện thoại Tàu lại rẻ hơn vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng.
Dù chưa nhiều kiến thức và kinh nghiệm để phân biệt giữa các đời điện thoại, song họ đều có chung một quan điểm: “di động” cũng như cái xe máy, phải khỏe và chắc chắn mới tốt, mới thích. “Khổ nỗi tại cái sóng ở mấy bản nó yếu nên nhiều khi bà con cứ đổ tại máy và người bán hàng… bởi khi mang về đến nhà họ chỉ có thể ngắm chứ chẳng thể gọi”, anh Sơn nói.
Chia tay với Sapa, với đại ngàn Tây Bắc, nhưng hình ảnh một số chàng trai, cô gái người Mông, người Dao Đỏ trao nhau số điện thoại dưới chân đèo, trên lưng ngựa đã trở thành ấn tượng không thể quên với chúng tôi. Di động đã lên đến vùng cao, bà con dân tộc vẫn đang ngày đêm háo hức chờ cái sóng, cái máy tốt hơn về bản để đi chợ, đi rừng gọi nhau cho dễ.
Xin được mượn lời của một chàng trai người Mông để kết thúc bài viết của mình - “Con đường nó dẫn vào tận bản rồi. Ti vi, cát sét, xe máy có rồi. Nhưng cái điện thoại thì chưa có mấy, mà có thì cũng không dùng được. Chỉ mong sao cái sóng nó khỏe hơn giống như cái xe máy này (tức chiếc xe Win của anh - pv) để gọi cho ai cũng được, không còn phải chạy lên cái đỉnh núi kia nữa thì tốt…”.
Theo Mobilenet