Bán lẻ thời hội nhập
(PV News DAily) - Vừa qua, công ty nghiên cứu thị trường GFK (thuộc tập đoàn GFK) tổ chức hội nghị thường niên với chủ đề «Thị bán lẻ sản phẩm công nghệ, bí quyết để thành công». Theo kết quả khảo sát của GFK, có 99% các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh diện thoại di động (ĐTDĐ), cả bán và phân phối trả lời là biết về việc các nhà bán nước ngoài sẽ được hoạt động tự do tại Việt nam thời gian tới; nhưng chỉ 65% cho rằng có sự chuẩn bị với thách thức hội nhập…
Phấn đấu lên…chuyên nghiệp
Tại hội nghị trên, các đơn vị bán lẻ ĐTDĐ có dịp nhìn lại những gì mình đã trải qua và nhận diện tương lai của ngành bán lẻ ĐTDĐ tại Việt Nam. Hiện tại, hệ thống bán lẻ ĐTDĐ tại Việt Nam có thể nói là cực kì phong phú, đa dạng và nhiều người cho rằng nó nhiều biến thể đến mức… « mất trật tự ».
Ở nước ta, người tiêu dùng có thể mua ĐTDĐ từ nhiều nguồn: nơi các cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh theo dạng hộ kinh doanh, những siêu thị quy mô lớn; từ chuỗi cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đến các trung tâm mua sắm điện máy. Tuy đa dạng như thế, nhưng số lượng các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn lớn hơn các siêu thị, trung tâm lớn dù sau nhiều năm phát triển. Điển hình như tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượng cửa hàng ĐTDĐ nhỏ lẻ lên đến trên 2.000 cửa hàng trong khi số lượng siêu thị ĐTDĐ, chuỗi cửa hàng, trung tâm mua sắm điện máy chưa đến 60 điểm. Tại thành phố lớn nhất nước này, đi đâu người ta cũng có thể bắt gặp những cửa hàng ĐTDĐ. Đó là những cửa hàng xét về quy mô không thua gì siêu thị nhưng cũng có thể đó là lại những cửa hàng mở ra chỉ để bán… thẻ cào là chính !
Trong khi đó, mặc dù nói là nhiều nhưng những siêu thị như thegioididong.com, Viễn Thông A hay hệ thống của Viettel Telecom cũng chỉ là quá ít tại thành phố một khi họ vẫn còn tập trung quá nhiều vào những vị trí các quận trung tâm. Ở đây, chúng ta có thể tạm gọi kênh bán lẻ ĐTDĐ thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, trung tâm mua sắm điện máy là kênh bán hàng chuyên nghiệp. Nếu kể thêm các tỉnh nhỏ, nơi các siêu thị ĐTDĐ còn rất ít thì tỷ lệ của các cửa hàng nhỏ càng thêm phần lấn lướt. Tại Hà Nội, điểm mặt thì được 3-4 hệ thống đủ tiêu chuẩn của một siêu thị điện thoại, còn lại chủ yếu vẫn là các cửa hàng nhỏ lẻ, mọc ra khắp nơi. Trong 2 năm gần đây khi Hà Nội Mobile Plaza liên tục phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh, các cửa hàng và chuỗi siêu thị khác cũng đã bắt đầu chú trọng hơn tới việc chuyên nghiệp hóa trong bán lẻ. Tuy đang trên đà phát triển và còn nhiều bất cập nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho thị truờng bán lẻ tại Việt Nam.
Kết quả của tỷ trọng đó chính là con số mà công ty nghiên cứu thị trường GfK đã tìm ra, đó là thị phần của các kênh bán hàng ĐTDĐ chuyên nghiệp chỉ chiếm 33% trong năm 2006 và dự tính năm 2007 là 35%. Con số này tại Thái Lan là 64% cho năm 2006 và dự tính chiếm tới 67% cho năm 2007. Trong khi đó, về dân số Việt Nam không thua gì Thái Lan, nến kinh tế tiêu dùng của chúng ta cũng không kém họ và song song đó là số lượng sản phẩm, nhãn hàng của các công ty từ cung cấp dịch vụ viễn thông đến thiết bị đầu cuối tại nước ta hiện nay cũng là khá đầy đủ. Những phân tích trên chứng minh rằng, hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp của Việt Nam thực sự chưa khai thác được thị trường một cách đúng mức, trong khi đó, cần nhìn nhận thêm một khía cạnh cso lợi cho các nhà kinh doanh là, vì muốn an tâm với «hàng hiệu» mà người tiêu dùng tiếp cận kênh «second-hand» đang ngày càng ít đi.
Rõ ràng, thị trường bán lẻ Việt Nam muốn phát triển lành mạnh và hiệu quả thì kênh bán hàng chuyên nghiệp phải chiếm tỷ trọng cao. Vì sự phát triển kinh tế đòi hỏi các thành phần kinh doanh phải ngày càng chuyên nghiệp hơn. Một thực tế mà nhiều người phải thừa nhận là, đa phần những chuyện không hay trong mua bán ĐTDĐ đều xảy ra tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Nên về khía cạnh quản lý của nhà nước, nếu thị trường bán lẻ ĐTDĐ tập trung chủ yếu và kênh chuyên nghiệp thì sẽ dễ dàng quản lý hơn, đặc biệt là tình trạng hàng xách tay sẽ giảm đáng kể và người tiêu dùng cũng được sử dụng những dịch vụ tốt hơn.
Tên tuổi lớn: đếm trên đầu ngón tay
Có thể nói, các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ ĐTDĐ hay trung tâm mua sắm kim khí điện máy của cả nước không ít, nhưng những tên tuổi lớn trên thị trường này chưa có nhiều. Những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất ở thành phố Hồ Chí Minh là: Viễn Thông A, Thế giới di động, Nguyễn Kim, còn ở Hà Nội thì có Hà Nội Mobile Plaza, Mobi Mart hay chuỗi hệ thống cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ. Và có vẻ như số ít các đơn vị này chiếm giữ một vị trí khá cao trong số lượng bán ra của nhóm bán lẻ chuyên nghiệp. Theo một kết quả nghiên cứu cũng của GfK thì số lượng bán ra của top 20 đơn vị bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Hà Nội và sài Gòn chiếm khoảng 21% trong năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 là 26%. Với sự tăng trưởng đáng kể trên, người ta có thể thấy rằng các «ông lớn» trong ngành bán lẻ đang phát triển nhanh hơn. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy các đơn vị lớn đang ngày càng phát triển rầm rộ hơn.
Từ đầu năm đến nay, Viễn Thông A và Thế Giới Di Động đã liên tục mở rộng với việc tăng thêm nhiều chi nhánh mới, Thế Giới Di Động còn tiếp tục mở hoạt động của mình ra nhiều tỉnh như Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, Đồng Nai và sắp tới là Đà Nẵng.Sang năm 2008, Viễn Thông A có thể cũng mở rộng ra các tỉnh. «Đại gia» Nguyễn Kim cũng sẽ «chinh phạt» các thị trường Cần Thơ, Hà Nội và một số nơi khác. Hoặc như Hà Nội Mobile Plaza cũng đã có mặt tại Hải Phòng. Đến cả FPT cũng đã chính thức gia nhập danh sách bán lẻ ĐTDĐ với hệ thống cửa hàng [IN] tại một số tỉnh thành. Đó chính là những dấu hiện thiết thực nhất cho thấy sự phát triển của các đơn vị mạnh nhất trong ngành bán lẻ ĐTDĐ. Theo bình luận và đánh giá của GfK, việc mở rộng vùng hoạt động của các đại gia di động lớn này là tất yếu và bên trong diễn tiến đó sẽ diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữ các đơn vị. Cạnh tranh gay gắt sẽ dẫn đến một cuộc sàng lọc để định hình ra những đơn vị lớn nhất ở vị trí thống lĩnh. Đó là quy luật của thị trường. Và có thể, trong thời gian tới, song hành với sự phát triển của các «ông lớn» là sự cuốn cờ thoái lui của không ít đơn vị khi lượng sức không đủ để giành giật thị phần bán lẻ ĐTDĐ.
Hội nhập : không sợ hay biết ?
Trên đây chúng ta chỉ mới nhìn thấy bức tranh bán lẻ ĐTDĐ trong bối cảnh nội bộ người Việt. Nhưng khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO thì thị trường bán lẻ ĐTDĐ trong nước sẽ phải chấp nhận sự có mặt của các đơn vị đến từ các quốc gia khác. Theo như lộ trình hội nhập thì chỉ một vài năm nữa, các đơn vị bán lẻ nước ngoài có thể tự do hoạt động tại Việt Nam. Mà trong thực tế, không ai có thể phủ nhận năng lực kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài. Bằng chứng là họ phát triển rất tốt tại một số nước như Trung Quốc, Thái Lan... Theo một số nguồn tin thì một số đơn vị bán lẻ Thái Lan đang có ý định mở rộng việc kinh doanh tại Việt Nam. Hoặc vừa qua, khi Mekong Capital chính thức đầu tư cho Thế Giới Di Động đến 4,5 triệu USD thì người ta cũng thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã nhận định về các nhà bán lẻ nước ngoài rằng, họ sẽ nhanh chóng có mặt tại Việt Nam và đó là những đơn vị cực kì mạnh. Họ có thừa kinh nghiệm trong việc xâm nhập các thị trường mới hội nhập. Vậy thì các đơn vị bán lẻ Việt Nam (trong đó có cả lĩnh vực ĐTDĐ) sẽ phải đối mặt với những thử thách lớn.
Trước khi chính thức diễn ra hội nghị thường niên, GfK có thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với 95 đơn vị bán lẻ hàng công nghệ tại Hà Nội và thành Phố Hồ Chí Minh. Trong đó đơn vị được khảo sát, các đơn vị bán lẻ ĐTDĐ chiếm 30%. Kết quả cho thấy: 99% các đơn vị trả lời là biết về việc các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được hoạt động tự do tại Việt nam trong thời gian tới nhưng chỉ 65% cho rằng sẽ có sự chuẩn bị với thách thức hội nhập. Nhiều đơn vị còn tự tin mạnh mẽ rằng họ có thể bán giá cạnh tranh, họ có kênh phân phối mạnh và các đơn vị nước ngoài khó có thể cạnh tranh nổi tại thị trường Việt Nam. Điều đó có quá chủ quan không khi mà quá trình hội nhập WTO ngày càng hiện rõ nhưng nhiều doanh nghiệp hiện giờ vẫn đang chuẩn bị có kế hoạch «đối phó» hội nhập? Và có quá chủ quan không khi mà những chính sách như mức giá cạnh tranh, kênh phân phối mạnh của một số doanh nghiệp trong nước hiện nay có thể tự tin đương đầu với những tên tuổi chuyên về ngành hàng bán lẻ đến từ các quốc gia phát triển, và họ vào nước ta với thế mạnh hàng chục năm kinh nghiệm cũng như số vốn khổng lồ?
Nếu nhìn nhận một cách thực tế thì hiện tại, các đơn vị bán lẻ chuyên nghiệp Việt Nam mức độ bao phủ và vai trò chưa phải là cao. Ví dụ như hệ thống cửa hàng [IN] của FPT sau gần hai tháng hoạt động, nhưng các địa điểm của họ tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn khá vắng vẻ. Hay như hệ thống các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ ĐTDĐ của Viettel cũng chưa cho thấy được những tín hiệu khả quan gì trong việc thu hút khách hàng.
Dù muốn dù không, về năng lực tài chính, năng lực quản lý và đến cả thương hiệu thì các đơn vị bán lẻ Việt Nam chưa thể so sánh nổi với các «đại gia» bán lẻ nước ngoài. Đây là điều mà không thể ngày một ngày hai «cá chép vượt vũ môn hóa rồng» được mà nó cần thời gia cũng như quá trình tiếp cận, học hỏi của từng doanh nghiệp. Dẫu rằng so với mặt bằng chung tại Việt Nam thì các đơn vị thuộc hàng «đại gia» này cũng đã rất nổi bật với kinh nghiệm, tiềm lực tài chính. Nhưng không vì điều đó mà chúng ta có thể làm ngơ hay phó mặc cho một vận may một khi quá trình hội nhập diễn ra mạnh mẽ. Tất nhiên, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng có những bước đi của họ để đón đầu với những thách thức mà nền kinh tế thời hội nhập mang lại. Họ đã từng bước xây dựng hệ thống thương hiệu, cơ sở vật chất cho mạng lưới rộng khắp trên cả nước. Hy vọng, trong tương lai gần, các doanh nghiệp đủ sức và có chiến lược phù hợp để giành phần thắng trong lĩnh vực này, trong hoàn cảnh ngành bán lẻ nói chung và ĐTDĐ nói riêng nước ta còn non trẻ. Một thất bại ngay trên sân nhà là điều không ai muốn.
Theo Mobilenet