MOBILE: Công nghệ của tình cảm
(PV News Daily) - Thời nhỏ khi là một hướng đạo sinh tham gia những trò chơi lớn giữa núi đồi mênh mông, một trong những băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là trao đổi được thông tin với nhau từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia. Từ đó, kỹ năng quan trọng “sống còn” của người hướng đạo sinh chính là một loại liên lạc không dây- di động sơ khai: dùng tín hiệu cờ (semaphore), hay tín hiệu morse.
Ở semaphore, bạn phải thuộc tư thế cờ của 24 chữ cái, rồi phất cờ, người nhận nhìn và dịch lại thành chữ; còn tín hiệu morse, thì dùng còi truyền tin 24 chữ cái bằng hai âm dài ngắn tích, tè…, người nhận nghe và dịch lại. Dù có cái hay đẹp của trò chơi, nhưng đây là một kỹ năng cực khó. Nó khác hẳn với các cuộc chơi dã ngoại của giới trẻ ngày nay với điện thoại di động, máy định vị GPS, thậm chí điện thoại vệ tinh…
Giữa thập niên 90, sau khi Tổng thống Pháp François Mitterand qua đời, người vợ thứ hai trong bóng tối của ông đã có một lời tâm sự cảm động rằng: phải chi hồi đó điện thoại di động đã phổ biến, thì bà có thể nói chuyện với ông nhiều hơn. Vì ông là tổng thống, còn bà là vợ trong bóng tối lại phải nuôi dạy một cô con gái, nên rất cô độc, có khi muốn tâm sự với ông vài lời qua điện thoại thôi cũng không thể, vì chẳng tổng đài điện thoại nào của phủ tổng thống nối dây cho một người vô danh như bà.
Không cần nói thêm về những tác động kinh tế - xã hội… to rộng, chỉ riêng về thành quả tình cảm cho một người thiếu phụ, hay tiện ích cho các cậu bé hướng đạo sinh thôi, cũng đủ để ta tôn vinh cái công cụ liên lạc di động ngày nay rồi. Do đó, nhiều người đều đồng cảm và thích gắn cho mobile cái danh hiệu: một loại công nghệ của tình cảm. Các phát hiện khoa học đều giúp ích con người, tìm ra động cơ đốt trong giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, đời sống; việc tạo ra máy bay cải thiện sức vận chuyển…, nhưng nói về gắn kết tình cảm do khám phá khoa học kỹ thuật mang lại thì ít có gì sánh bằng phát kiến ra sóng điện từ, nền tảng cho sóng vô tuyến… Mỗi ngày cái sóng vô tuyến ấy mang vào nhà chúng ta nào là âm nhạc, tin tức… qua radio; phim truyện, game show… qua truyền hình; tin nhắn, lời chúc, cuộc gọi… qua mobile, hoặc chỉ đơn giản là giúp một cuộc gọi trực tiếp lúc nửa đêm của người thiếu phụ kể trên cho người đàn ông của mình thôi… Tất cả đủ để ta xác nhận khả năng mang lại niềm vui của công nghệ này.
Yếu tố nhân văn này rồi đây sẽ cần được kỹ nghệ di động nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng ưu thế cho thương hiệu hay sự thịnh vượng của mình.
Ở đây, ít nhất chúng ta cũng thấy một số đặc tính đáng lưu ý.
Là phương tiện bày tỏ thái độ
Trước khi có liên lạc di động, tất cả các phương tiện khác hầu như đều là gián tiếp hoặc bán trực tiếp. Gởi một bức thư cả tuần lễ, thậm chí cả tháng mới đến nơi và người gởi không hề biết người nhận có nhận được không (sau này để cải tiến đã xuất hiện loại thư tín bảo đảm có hồi đáp, nhưng cũng là hồi đáp gián tiếp). Đến điện tín, gởi một tin nhắn ngắn gọn đến bưu điện rồi chuyển về cho người nhận, chỉ trong một ngày, nhưng cũng không biết người ta có nhận được không (chưa kể là có đọc được không vì điện tín viết bằng ký tự khá khó đọc).Đến thời điện thoại cố định, gọi đến cho ai, chuông reng, chỉ có 30% cơ hội đúng người ta muốn gặp nhấc máy, còn 70% kia, hoặc là một người khác bắt máy, gởi lời nhắn lại và không biết có đến được không, hoặc không có ai ở nhà. Ta không biết người cần gặp ở đâu hay người ấy cũng không biết ta có gọi đến. Mối liên lạc vừa được khởi động, bỗng tắt ngấm, không biết rõ kết quả…
Nhưng qua đến mobile thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Gọi một cái là nhảy ngay vào máy nằm trong túi người ấy không có bất cứ một trung gian nào cả, không trốn đi đâu được cả. Cái hay đầu tiên hơn hẳn là: chức năng hiện số cuộc gọi, tức người gọi giới thiệu mình trước khi người nghe nhắc máy, người nhận, biết ai đang muốn nói chuyện với mình và mình muốn nhận hay không? Một cách biểu lộ thái độ! Nếu anh đang lái xe không nghe chuông thì đã có báo cuộc nhỡ, anh phải tỏ thái độ ngay: gọi lại hay không gọi lại. Một biểu cảm nữa! Một tiện ích khác, tưởng là tầm thường nhưng có tác dụng bày tỏ rất lớn đó đó là phonebook: chuông reng, anh xem tên người gọi và nhắc máy: “Lâu ngày quá Thành!” tức là anh xem tôi quan trọng có lưu tôi vào phonebook, nếu không thì chỉ là “Alô, tôi nghe đây, ai đó?”. Tức là, tôi chưa đủ quan trọng!!!
Rõ ràng tính biểu cảm của di động là rất rõ. Và những ai hoạt động trong lãnh vực này cần có những nghiên cứu sâu sắc hơn về đặc tính ấy.
Là “nhà” của con người trên không gian liên lạc
Cùng với e-mail, blog hay avatar trên second life…, số điện thoại di động đang dần trở thành số nhà của ta trên không gian liên lạc. Gọi điện cho một người bạn rủ chiều gặp nhau uống cafe thì nghe trả lời: “Ông ơi tôi đang ở Lạng Sơn lận”. Cũng tương tự như khi gởi mail cho người bạn và hỏi thăm: “Canada có tuyết chưa?” thì nhận được reply, “Tao đang ở Costa Rica mày ơi!”. Như vậy, chẳng cần biết anh đang ở đâu trong không gian đời này, tôi luôn “reach” được tại “số nhà” của anh trong không gian liên lạc. Cuộc đời bận rộn, thế giới mênh mông, mấy khi có dịp ghé nhà thăm nhau, nhưng mỗi ngày vẫn “gặp” nhau trên không gian liên lạc, vậy thì cái sau ngày càng quan trọng hơn cái trước.
Cho nên, giờ đây đối với nhiều người trong chúng ta đổi gì thì đổi chứ số điện thoại di động và e-mail thì cho… vàng cũng không dám thay đổi, vì làm thế sẽ mất cả ngàn mối liên lạc với bạn bè, làm ăn. Hiện tại, số nhà hiện ít quan trọng hơn nhiều so với hai số trên vì có chu du khắp thế giới chỉ cần mang hai số trên là không sợ mất liên lạc với ai cả.
Tương tác nhân bản
Vài năm trước đây, khổ nhất là lúc nào cũng phải thuộc một vài số điện thoại “tủ”: số cơ quan, số nhà, số của cơ quan vợ…, đến mức giờ này từ vô thức nhiều khi tôi có thể đọc ngay số điện thoại cơ quan tôi làm cách nay 15 năm. Rồi phải kè kè một sổ ghi số điện thoại trong túi để tiện liên lạc. Từ đó, xuất hiện nhu cầu tìm số đẹp, số dễ nhớ… Nhưng nay chuyện này đang dần phai tàn vì không ai cần phải nhớ số điện thoại của ai nữa cả (kể cả số của chính mình bảo đảm hỏi bất ngờ, thì 70% người được hỏi, phải mở máy ra xem lại). Cái tiện ích phonebook nhỏ xíu đã làm ra một cuộc cách mạng nhân văn, gọi cho anh Thanh, bấm tên Thanh; cô Hoa bấm tên Hoa…, đó là những con người chứ không phải một dãy số!. Và cũng vì vậy, dạo này chẳng ai cần đấu giá số đẹp làm gì nữa (trừ điện thoại cố định thì có lẽ vẫn có nhu cầu).
Nếu nhìn qua iPhone của Apple ta sẽ thấy họ đã đẩy các tương tác qua điện thoại đến mức nhân bản bất ngờ. Mở máy, cần vào phonebook thay vì bấm bấm mấy lần phím thì ta lấy ngón tay lật trên màn hình cảm ứng như lật sổ điện thoại vậy. Khi vào images để xem mấy hình vừa chụp cũng thế, ta lấy ngón tay lật từng tấm hình để em như xem album chứ không phải list, rồi chọn, rồi see rồi exit gì gì cả.
Để kết thúc câu chuyện về loại công nghệ mang tính tình cảm này, người viết chợt nhớ đến một tin nhắn đầy cảm xúc truyền qua mobile ngay sau sự kiện 11/09/2001 (hiện nay đang đúng dịp kỷ niệm 6 năm sự kiện ấy). Tin có 4 cảnh (xem hình), hai cảnh đầu cho thấy hai máy bay đang tiến gần toà tháp đôi, cảnh 3 diễn tả khi máy bay đâm vào toà nhà và cảnh kết thúc xuất hiện câu: Hãy cầu nguyện cho hoà bình (Lets Pray For Peace)!
Theo Mobilenet