Thông tin Mobile ngày 18/08/07
Internet Việt Nam – “cơn lốc” trong tương lai
Có thể nói, 10 năm đến Việt Nam, Internet đã tác động và mang đến những thay đổi kỳ diệu trong đời sống cũng như những thách thức tới từng con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức hết được tầm quan trọng của Internet, chỉ đến khi có những sự cố như động đất ở vùng biển Đài Loan cuối năm 2006 khiến cả châu Á bị cô lập thông tin với toàn cầu, hay đến sự kiện cáp quang biển Việt Nam bị cắt trộm, người ta mới nhận thấy Internet đang chiếm một phần quan trọng trong công việc và cuộc sống hàng ngày của họ…
Internet đã có mặt tại Việt Nam như thế nào?
Chính thức được triển khai tại Việt Nam năm 1997 nhưng có thể nói cách thời điểm năm 1997, 5 năm về trước, Internet đã có mặt tại nước ta.
Dấu ấn đầu tiên, vào năm 1992, Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia - nay là Viện Khoa học công nghệ VN) đã sớm sử dụng Internet như một thuê bao từ xa của Úc. Đặc biệt, đến năm 1994, Thủ tướng Thụy Điển và Thủ tướng VN Võ Văn Kiệt đã trao đổi thư điện tử qua kết nối này. Đây là sự kiện đặc biệt cho thấy nhận thức của Chính phủ về vai trò của Internet.
Ông Trần Bá Thái (hiện đang là Giám đốc công ty Netnam - Viện Công nghệ Thông tin), người được vinh dự tham gia vào sự kiện lịch sử đó với nhiệm vụ tạo email và thiết lập đường truyền cho Thủ tướng Kiệt, hồi tưởng lại: “Thủ tướng VN Võ Văn Kiệt và thủ tướng Thụy Điển Carl Bilt đã trao đổi thành công bằng email để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm chính thức VN của thủ tướng Thụy Điển. Sự kiện này theo tôi biết rất có ý nghĩa: Đây là cặp nguyên thủ QG thứ 2 trên thế giới sử dụng Internet vào công việc. Cặp đầu tiên là TT Bill Clinton và TT Thụy Điển Carl Bilt. Về góc độ các nước đang phát triển thì TT VN Võ Văn Kiệt là người đầu tiên”.
Năm 1992, ông Thái đã tháp tùng Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin Bạch Hưng Khang sang dự Hội nghị Internet thế giới lần 2 ở Kobe, Nhật Bản. Khi trở về, ông cùng các đồng nghiệp lập ra một nhóm nghiên cứu về Internet, tự tìm các đối tác quốc tế.
Australia trở thành đối tác đầu tiên với sự cộng tác của giáo sư Rob Hurle cũng như các đồng nghiệp tại Đại học quốc gia Australia.
Kể lại những ngày đầu tiên “khai khẩn” internet, ông Thái cho biết: “Chúng tôi phải gửi nhận email bằng kết nối dial-up giữa Viện CNTT và Đại học Quốc gia Australia. Mọi cuộc gọi đều được thanh toán tại đầu dây Australia vì cước viễn thông tại Việt Nam lúc bấy giờ rất đắt. Thậm chí, e-mail được gửi từ Australia sang Hà Nội sau đó sẽ được copy lại hoặc in ra rồi chuyển đến nơi nhận bằng... xe đạp.
“Thật thú vị là công việc thử nghiệm internet âm thầm của chúng tôi đựoc Bộ KHCN&MT biết đến. 3/1994 Bộ trưởng KHCN&MT lúc đó là GS Đặng Hữu đã yêu cầu Viện CNTT thực hiện nhiệm vụ này… Và cũng thời điểm này, tên miền internet của Việt Nam .vn được chính thức đăng ký tại APNIC, tổ chức tên miền Internet khu vực châu Á – TBD” – Ông Thái kể.
Mọi sự chuẩn bị tích cực cuối cùng cũng được đền đáp, ngày 19/11/1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện 18 – Nguyễn Du, Hà Nội, “lễ kết nối Internet toàn cầu” chính thức của nước ta đã được diễn ra. Internet chính thức có mặt tại Việt Nam từ đó.
Trở thành một phấn tất yếu của cuộc sống…
So với những ngày đầu, giờ đây Internet đã khác… Dial - up dần ra đi để nhường chỗ cho đường truyền băng thông rộng. “Đường làng” được “quốc lộ hóa” và dĩ nhiên “xe” cũng chạy nhanh hơn. Đến nay, cả nước có 4,3 triệu thuê bao Internet quy đổi, đáp ứng nhu cầu của 15,5 triệu dân, đạt mật độ 18,64 người/100 dân, cao hơn bình quân khu vực ASEAN và thế giới; vượt xa Thái Lan (12,65%), Trung Quốc (9,41%), Philippin (9,12%)...
GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ Trưởng Bộ BCVT (Nay là Bộ Thông tin – Truyền thông) nhận định: “Ban đầu, chúng tôi nói vui với nhau rằng nắm lấy “thắt lưng” Thái Lan mà đi, vậy mà sau khi thay đổi phương châm quản lý từ quản lý tới đâu phát triển tới đó sang phương châm quản lý là phát triển đến đâu quản lý đến đó thì cho đến nay chúng ta vượt qua cả Thái Lan, vượt cả Trung Quốc, vượt Indonesia vượt Philippin và chỉ còn nhắm đến Singapore cho đến giờ ở quãng 56 % dân số sử dụng Internet và Malaysia quãng trên 36%”.
Bỏ qua những con số thống kê ấn tượng, thực tế sử dụng đã chứng minh Internet Việt Nam đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Rất nhiều người đã thừa nhận, không có internet, cuộc sống của họ bị thực sự khó có thể hình dung…
Mai Thanh Tiếp, Biên tập viên của kênh truyền hình VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam… Cũng giống như rất nhiều người khác, Tiếp coi Internet là “máu thịt” của mình – một trợ tá đắc lực cho công việc. Tiếp nhận xét: “Tôi nghĩ internet thì có rất nhiều công dụng. Với một BTV như tôi, internet thực sự là một “phụ tá” đắc lực. Nhiều hôm tôi ko phải lên phòng để gõ văn bản mà có thể làm việc ở bất kỳ đâu sau đó gửi văn bản qua email cho người khác duyệt. Hoặc là khi có khúc mắc nào đó, thông tin cần phải kiểm chứng, phải tham khảo thì internet cũng giúp cho tôi tham khảo được rất là nhanh”.
Trần Hải Linh – CEO trẻ nhất Việt Nam, Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam, từ lâu cũng đã “thần tượng” internet. Với ông Giám đốc trẻ tuổi này, Internet thậm chí còn hơn là “máu thịt”. “Hàng ngày phải xử lý hàng núi công việc, điều hành các chi nhánh ở khắp đất nước và liên hệ thường trực với trụ sở chính là Lenovo Singapore, không có internet, không hiểu Hải Linh sẽ phải xoay xở thế nào?” – Hải Linh tâm sự.
Với huyện Nam Đông – một huyện miền núi khó khăn của Thừa Thiên Huế, internet đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Những người nông dân đã biết lên mạng để tìm hiểu thêm kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Thậm chí, Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông còn dự tính làm hẳn một trang Web để nông dân lên mạng chào bán, giới thiệu nông sản của mình. Nhờ Internet, những huyện miền núi như Nam Đông đã không trở thành những ốc đảo, bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi sự bưng bít về mặt thông tin.
Internet ViệtNam – “cơn lốc” trong tương lai
Internet đã mang đến những cơn gió lành, nhưng cũng đem lại những mặt trái của nó. Sự yếu kém về nhận thức của một bộ phận cư dân mạng đã khiến môi trường internet bị vẩn đục. Hẳn chúng ta còn nhớ bi kịch Game online của game thủ Triệu Quốc Cường. Chàng thanh niên trẻ tuổi đã bị đột quỵ sau hàng chục giờ “chiến đấu” trên mạng. Vấn đề bảo mật an toàn an ninh mạng cũng không ngừng được gióng lên những hồi chuông cảnh báo. Liên tiếp các vụ hacker tấn công các Website xảy ra, tiêu biểu là vụ hacker HuyRemy tấn công Chodientu.com và vụ học sinh Bùi Minh Trí tấn công Website Bộ giáo dục. Mật độ của các vụ phát tán virus trên mạng cũng đang ngày càng tăng cao… và mới đây là vấn nạn Blog đen, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thắt chặt môi trường mạng hơn nữa của các nhà quản lý.
GS.TSKH Đỗ Trung Tá thừa nhận: “Đúng là nó có khoảng cách giữa phát triển và quản lý và khoảng cách này thậm chí nó phải tiến nhanh để bằng 0 hoặc là phải bỏ được cái phương pháp quản lý đó. Khung pháp lý của chúng ta làm sao phải quản lý được môi trường băng thông rộng, đồng thời phát triển thêm các dịch vụ phong phú trên mạng lưới đã hội tụ”.
Không thể phủ nhận được, trên thế giới phẳng vẫn còn những mặt trái, đó là những hạt sạn không dễ gì gạn được. Tuy nhiên, có thể nói, những “hạt sạn” ấy chưa đủ sức để ngăn cản nhịp tiến siêu tốc của “con tàu tốc hành” mang tên: internet. Internet vẫn là một công cụ “siêu tiện lợi” để phát triển đời sống, kinh tế xã hội.
Và sẽ không ít người đặt câu hỏi rằng: 10 năm đã qua đi, vậy 10 năm tới “hình hài” của Internet sẽ ra sao? Thật khó để ai đó có thể đưa ra những dự đoán hoàn toàn chính xác. Nhưng chúng ta vẫn có thể mường tượng được viễn cảnh của internet tại Việt Nam. Khi cơ sở hạ tầng đủ vững, nội dung thông tin số được chú trọng, có sự chung tay quản lý của đa ngành… internet Việt Nam sẽ vươn lên những tầm cao mới.
Không chỉ là ADSL, không chỉ là kết nối không giây Wifi, giờ đây, cư dân mạng tại Việt Nam đã bắt đầu được nếm mùi Wimax. Sự thành công của việc triển khai Wifi và những thử nghiệm Wimax đang cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những “thành phố không dây”.
Người lạc quan hơn có thể nhận định rằng: 10 năm tiếp theo, cùng với “những bước chạy không ngừng nghỉ” của công nghệ trên thế giới, internet chắc gì đã dừng lại ở Wimax?
Trong hội nghị tổng kết 10 năm internet vào Việt Nam, GS.TSKH Đỗ Trung Tá, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ BCVT đã vận dụng từ dùng “cơn lốc” để khái quát tốc độ phát triển của internet Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Không phải ngẫu nhiên, nhiều người đồng tình với vị cựu Bộ trưởng, bởi thực tế cho thấy internet Việt Nam đang phát triển quá nhanh.
Căn cứ tình hình hiện tại, Bộ Bưu chính Viễn thông đã đưa ra dự tính: đến năm 2010, mật độ thuê bao Internet trong nước đạt 13-15% thuê bao trên 100 dân và số người sử dụng Internet là 35-40%. Và trong 3 năm tới, 70% số xã có điểm truy cập Internet băng rộng, 100% huyện và xã trong vùng kinh tế trọng điểm được cung cấp dịch vụ này.
Xin được dẫn lại lời nguyên thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực trong một lần trả lời báo chí để khép lại bài viết này: “trước đây người ta nói See you again để tạm biệt nhau, giờ đây người ta nói See you on internet để diễn tả điều đó. Như thế để biết rằng, internet đang đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống.”
vtv.vn